Theo đó, tính đến thời điểm nói trên, một số địa phương đã hoàn thành chi trả 100% số người lao động nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ là Sơn La, Đắk Nông, Ninh Thuận và Bạc Liêu. Đây đều là những tỉnh có số lượng người được thụ hưởng chính sách rất thấp.
Bên cạnh đó, vẫn có nhiều địa phương tỉ lệ giải ngân mới chỉ đạt dưới 10% gồm: Bình Định (0,47%), Nghệ An (0,95%), Vĩnh Long (1,06%), Bắc Ninh (1,57%), An Giang (1,7%), Quảng Ngãi (2,35%), Thanh Hóa (2,53%), Thái Bình (2,81%), Lào Cai (3,41%) và Nam Định (3,69%).
10 địa phương khác đang có tiến độ chi trả tiền thuê nhà cho người lao động tốt là Hà Nội, Bắc Giang, Kon Tum, Lâm Đồng, Thái Nguyên, Đồng Nai, Bình Dương, Cà Mau, Tiền Giang và Trà Vinh.
Trước thông tin số liệu thống kê từ Cục Việc làm, chiều 16.8, PV Lao Động đã liên hệ với đại diện các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, Nam Định để ghi nhận, làm rõ thêm thông tin.
Theo ông Tăng Quốc Sử - Trưởng Phòng Lao động - Việc làm (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình) - cho biết, sở dĩ số liệu báo cáo cập nhật của Cục Việc làm cho biết đến ngày 14.8, Thái Bình mới đạt tỉ lệ giải ngân 2,81% là bởi vì cục đang lấy số liệu giải ngân thực tế so với tổng số lượt người lao động, tổng số tiền dự kiến ban đầu sau khi có Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
"Ban đầu, số lao động dự kiến mà tỉnh báo cáo lên cục có thể nằm trong diện, đối tượng được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ là khoảng 3.500 lượt người, tổng số tiền hỗ trợ khoảng 5 tỉ đồng. Tuy nhiên đó chỉ là dự kiến, sau đó thực tế lượng hồ sơ đăng ký và được phê duyệt thấp hơn rất nhiều", ông Sử nói.
Vẫn theo ông Tăng Quốc Sử, đến hiện tại Thái Bình đã giải ngân được khoảng 66% trên tổng số hồ sơ thực tế đề nghị hỗ trợ đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Cụ thể, đến nay, địa phương này đã tiếp nhận hồ sơ, phê duyệt hỗ trợ cho 218 lao động của 20 lượt doanh nghiệp với số tiền 261 triệu đồng. Trong đó, đã thực hiện giải ngân, chuyển tiền đến tay của 144 lao động của 12 doanh nghiệp với số tiền 147,5 triệu đồng.
"Đến hôm qua thì các địa phương đã dừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị, sau đó có 2 ngày tới để họ tổng hợp, rà soát hồ sơ để chuyển lên cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt tiếp. Dự kiến, Thái Bình sẽ có khoảng tổng cộng từ 1.100 đến 1.300 lượt lao động được phê duyệt hỗ trợ, chứ không đến con số 3.500 như báo cáo dự kiến ban đầu", ông Tăng Quốc Sử thông tin thêm.
Tại tỉnh Nam Định cũng tương tự khi mà hồ sơ đề nghị và được phê duyệt trên thực thế thấp hơn nhiều lần số liệu dự kiến ban đầu, dẫn đến tỉ lệ giải ngân mới chỉ đạt 3,69% tính đến 16h30 ngày 14.8.
"Lúc đầu Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh tổng hợp số liệu báo cáo từ doanh nghiệp chuyển về cao quá, dự kiến cả tỉnh sẽ có khoảng 3.333 lao động thuộc diện được hỗ trợ, với tổng số tiền hơn 4 tỉ đồng. Tuy nhiên con số trên thực tế đi vào triển khai thấp hơn nhiều lần, dẫn đến tỉ lệ giải ngân theo cách tính của cục thì thấy là rất thấp. Các địa phương khác trong cả nước cũng tính như vậy", ông Nguyễn Quốc Lưỡng - Trưởng phòng Lao động tiền lương - Bảo hiểm xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định) - cho hay.
Theo đại diện 2 đơn vị trên, cách tính và cập nhật số liệu của Cục Việc làm - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội không sai, nhưng chưa đúng bản chất, tình hình thực tế.