Đã 2 tháng trôi qua, chị Trần Thị Liễu - công nhân công ty về sản xuất kính, thiết bị y tế ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) không có việc làm, phải nghỉ ở nhà chờ việc.
Thời gian này, chị Liễu sống bằng lương ngừng việc, tương ứng 4,2 triệu đồng/tháng. Không tìm công việc khác, chị Liễu quyết định ở nhà trông cậu con trai út 3 tuổi, đến bao giờ có việc làm, chị mới gửi con ở trường mẫu giáo tư thục.
Chồng chị Liễu thì may mắn hơn vẫn được tăng ca, tuy nhiên cũng khó gồng gánh được hết các khoản chi tiêu.
Ngưng việc, giảm thu nhập dịp gần hết năm, chị Liễu trăn trở: "Tiền phòng trọ, chi phí học của con gái, bố mẹ ốm đau,... thời gian này khiến tôi đau đầu. Nếu tháng sau không được đi làm, rất có thể tôi không có thưởng Tết. Với mức lương ngừng việc hiện nay, chúng tôi không dám nghĩ đến Tết...".
Mơ có một căn nhà dường như là điều không thể. Chị Liễu chỉ hi vọng đi làm xa để dư chút tiền cho các con học hành. Nhưng với tình hiện tại, gia đình chị rất khó để bám trụ ở thành phố.
Cũng rơi vào cảnh ngừng việc do công ty ít đơn hàng, đã gần 2 tháng nay, chị Nguyễn Thị Linh (công nhân Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) phải xin bán hàng ở tiệm tạp hoá để bù đắp thu nhập cuối năm, chờ ngày công ty ổn định đơn hàng rồi đi làm tiếp.
Xa gia đình hơn 7 năm làm công nhân, trừ những ngày không đi làm do phải giãn cách xã hội, nữ công nhân cho biết, đây là lần đầu tiên chị bị ngưng việc lâu đến vậy.
Thu nhập bị giảm một nửa, chị Linh không dám về quê thời điểm này. Hằng tháng, chị phải trả 3 triệu đồng tiền vay ngân hàng do xây nhà ở quê.
Làm công việc thời việc, chị Linh xác định đây chỉ là giải pháp tạm thời. Nữ công nhân này chỉ mong, hết tháng này công ty gọi đi làm để công nhân còn có cơ hội nhận thưởng Tết.
Như mọi năm, vào dịp Tết, chị Linh nhận được 1 tháng lương cơ bản, tương ứng 5,1 triệu đồng. "Năm nay, công nhân bị ngừng việc đều bàn tán bao giờ được đi làm, không biết có thưởng Tết hay không. Đều đi làm xa, không có việc làm có lẽ là nỗi sợ lớn nhất với chúng tôi" - chị Linh nói.
Cũng theo Viện Công nhân và Công đoàn, theo thống kê chưa đầy đủ từ 44 liên đoàn lao động tỉnh, có 500.000 người lao động bị ảnh hưởng việc làm, trong đó có 42.000 lao động bị mất việc. Như vậy, có 42.000 gia đình bị ảnh hưởng.
Theo ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, dịch COVID-19 và bất ổn tại Châu Âu đã tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm, đời sống của người lao động.
Theo đó, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng bị ảnh hưởng về việc làm, nhưng không nặng nề như các doanh nghiệp ở một số tỉnh phía Nam.
Thời điểm này cuối năm trước, các doanh nghiệp phải tổ chức tăng ca, đảm bảo các đơn hàng. Còn hiện nay, các doanh nghiệp không còn tăng ca, tác động đến thu nhập của công nhân. Qua khảo sát, tiền lương của người lao động đạt 8-9 triệu đồng/tháng thì phần lớn là từ làm thêm giờ; không làm thêm giờ thì thu nhập giảm rất nhiều.