Theo giải thích của UBND tỉnh Đắk Nông, Cty Nam Nung có quyền quản lý về lao động, tiền lương và tổ chức công tác cán bộ, nhân sự theo quy định tại Nghị định số 99 ngày 15.11.2012 của Chính phủ, về công tác, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Như vậy, để xảy ra tình trạng nợ lương, BHXH của người lao động thì người đứng đầu Cty là người chịu trách nhiệm chính về các hoạt động sản xuất kinh doanh, chính sách lao động, tiền lương, BHXH, về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và bảo toàn vốn nhà nước theo kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm và 5 năm đã được chủ sở hữu phê duyệt.
UBND tỉnh Đắk Nông cho biết thêm, để đảm bảo thực hiện chính sách của Nhà nước đối với lao động của Cty Nam Nung, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc tỉnh (Ban chỉ đạo) xử lý vấn đề nợ lương, nợ BHXH của Cty trong quá trình cổ phần hóa Cty này.
Hiện Ban chỉ đạo đang thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt giá trị doanh nghiệp đối với Cty Nam Nung. Theo quy định thì sau khi giá trị doanh nghiệp được phê duyệt, căn cứ vào quy mô vốn điều lệ, Cty Nam Nung sẽ tiếp tục xây dựng phương án cổ phần hóa để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện bán cổ phần lần đầu.
Đến nay, mặc dù UBND tỉnh Đắk Nông chưa phê duyệt phương án cổ phần hóa Cty nhưng phương án sắp xếp lại lao động là một trong phương án cổ phần hóa; việc xây dựng phương án sử dụng lao động đối với Cty cổ phần phải đảm bảo phù hợp với quy mô sản xuất, đảm bảo lợi ích của người lao động và theo quy định của Nhà nước về xử lý chính sách lao động dôi dư (nếu có). Kinh phí chi trả, giải quyết chính sách lao động dôi dư được sử dụng từ nguồn bán cổ phần, nếu không đủ thì được bổ sung từ Quỹ hỗ trợ, sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.