Thông tin trong báo cáo "Thị trường tuyển dụng 2022 và nhu cầu tuyển dụng 2023" do TopCV Việt Nam - Công ty trong lĩnh vực công nghệ nhân sự thực hiện.
Các kết quả trong báo cáo được thực hiện từ 21.12.2022 đến 28.3.2023 với hơn 2.200 doanh nghiệp và hơn 3.000 người lao động.
Tại thời điểm khảo sát, có tới 73,9% người lao động cho biết đang chủ động tìm việc, 19,9% người đang tham khảo để chuyển việc trong 6 tháng tới. Gen Z là đối tượng đang chủ động tìm việc và tham khảo để chuyển việc trong 6 tháng tới, chiếm tỉ lệ cao nhất.
Nhìn chung, nhu cầu tìm việc/chuyển việc của người lao động ở hầu hết các ngành nghề đều cao. Trong đó, hành chính/văn phòng, kỹ sư, marketing/truyền thông/quảng cáo là 3 ngành có tỉ lệ người lao động chủ động tìm việc cao nhất tại thời điểm khảo sát.
Bên cạnh đó, IT phần mềm, nhân sự, khách sạn/nhà hàng là 3 ngành sự kiến sẽ có biến động nguồn nhân lực lớn trong 6 tháng đầu năm 2023 khi tỉ lệ người lao động tham khảo để chuyển việc trong 6 tháng tới chiếm tỉ lệ cao.
Thực tập sinh là cấp bậc có nhu cầu tìm việc cao nhất với 82,1% đang chủ động tìm việc. Theo sau đó là cấp bậc quản lý/trưởng phòng/manager 73,8%.
Trong nửa đầu năm 2023, cấp bậc dự kiến có tỉ lệ người lao động chuyển việc nhiều nhất là nhóm nhân viên có kinh nghiệm dưới 2 năm với 24,2% tham khảo để chuyển việc trong 6 tháng tới.
Công việc hiện tại ít có khả năng phát trển, mức lương, thưởng, đãi ngộ không tương xứng với năng lực và quy trình, chính sách công ty không rõ ràng, minh bạch là 3 lí do hàng đầu khiến người lao động dời bỏ công việc hiện tại.
Mức lương cứng hấp dẫn là yếu tố được người lao động quan tâm nhất. Theo sau đó là các yếu tố về môi trường làm việc; nội dung công việc phù hợp với vi trí tuyển dụng; chế độ bảo hiểm, phúc lợi về sức khỏe, ngày lễ; nơi làm việc thuận tiện di chuyển.
Để đón đầu nhu cầu tìm việc/chuyển việc tăng cao của người lao động trong nửa đầu năm 2023, TopCV Việt Nam khuyến nghị doanh nghiệp/nhà tuyển dụng cần có những giải pháp thu hút và giữ chân nhân tài.
Trong đó, đưa ra các chính sách lương, thưởng và đãi ngộ mang tính cá nhân hóa. Doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý các yếu tố quan trọng mà người lao động quan tâm như mức lương cứng, môi trường làm việc, các chế độ phúc lợi, thương hiệu doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong bối cảnh như hiện tại, doanh nghiệp nên ưu tiên phát triển đa dạng các hình thức làm việc (chủ động về vị trí, linh hoạt về thời gian và không gian).
Đối với người lao động, để tìm kiếm và chinh phục những cơ hội việc làm chất lượng để phát triển sự nghiệp bền vững thì nên trang bị cho mình những bí quyết như chú trọng phát triển bản thân, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng mềm.
Người lao động chủ động tích lũy kinh nghiệm từ quá trình làm việc thực tế. Những người lao động càng có nhiều năm kinh nghiệm ở đúng lĩnh vực chuyên môn ứng tuyển, khả năng thích ứng với công việc càng cao.
Gen Z là viết tắt của Generation Z (thế hệ Z). Theo từ điển Oxford, Gen Z là những người sinh ra trong khoảng thời gian từ cuối những năm 1990 cho đến 2012. Quãng tuổi phổ biến và được chấp nhận rộng rãi nhất là 1997-2012.