Hàng vạn người lao động ngành du lịch mất việc
Tại các tỉnh miền Trung, việc làm trong các ngành du lịch, giao thông vận tải, may mặc, thủy sản đang là vấn đề nóng bỏng với hàng nghìn lao động (LĐ) bị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), tạm ngừng việc không lương, phải làm việc luân phiên.
Là địa phương những năm gần đây kinh tế tăng trưởng mạnh nhờ du lịch, thế nhưng gần 6 tháng qua do ảnh hưởng dịch COVID-19, thành phố du lịch của Khánh Hòa “bất động” với hàng nghìn khách sạn, khu du lịch vắng im lìm. Từ tháng 2.2020 đến nay, 90% LĐ ngành du lịch phải ngừng việc. Thống kê của Sở Du lịch Khánh Hòa cho thấy, ít nhất 17.000 LĐ chính thức hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, ăn uống, giải khát… không có việc làm.
Anh Phương - tổng quản lý một khách sạn 4 sao trên đường Trần Phú (TP.Nha Trang) - ngậm ngùi nói: “Chúng tôi cầm cự được đến hết tháng 3. Sau đó, chúng tôi buộc phải cho toàn bộ 100 LĐ nghỉ, chỉ giữ lại một số ít bảo vệ. Bây giờ dịch tạm ổn nhưng mọi thứ vẫn đang “dưới đáy” nên chưa dám thông báo cho anh em khi nào đi làm lại”.
Chị Hoàng Thị Thái - nhân viên Khu du lịch Trăm Trứng - vẫn tiếp tục mòn mỏi tìm việc. Chị Thái chia sẻ: “Tôi cùng 400 người trong công ty (Cty) cho tạm nghỉ việc không lương, không trợ cấp từ tháng 2 đến nay. Cty mới thông báo mở hoạt động trở lại từ ngày 1.8, nhưng chỉ tiếp nhận lại một số ít LĐ. Tôi đang hy vọng”.
Theo thống kê từ LĐLĐ TP.Đà Nẵng, số LĐ làm việc trong các doanh nghiệp (DN) du lịch, dịch vụ bị tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ không lương, làm việc luân phiên là trên 23.000 người. Đáng nói là đến thời điểm này, ngành du lịch thành phố đang từng bước hồi phục với hơn 500/1.000 cơ sở lưu trú đã mở cửa đón khách trở lại, đồng nghĩa với việc 50% của con số hơn 23.000 LĐ vẫn trong cảnh thất nghiệp.
Khó khăn ở khối ngành may mặc
Cty TNHH May xuất khẩu Minh Thành (Hải Phòng) là DN sản xuất thú nhồi bông xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Châu Âu. Nhiều tháng nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lượng lớn hàng thành phẩm của đơn vị này bị tồn kho. Hàng cũ tồn đọng, đơn mới không thể ký tiếp, kéo theo việc làm của người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng.
Ông Phan Hồng Đức - Chủ tịch Công đoàn Cty - cho hay, đến thời điểm hiện tại, Cty buộc phải cho hơn 300 công nhân nghỉ việc, số công nhân còn lại (1.300 người) làm việc 8 tiếng/ngày (không làm thêm giờ), LĐ khối văn phòng nghỉ việc luân phiên. “Số công nhân phải nghỉ việc do DN thu hẹp sản xuất, Cty đã chi trả đầy đủ chế độ chính sách. Tuy nhiên, thời gian tới, nếu tình trạng tồn hàng kéo dài, việc gia tăng số lượng công nhân phải nghỉ việc là khó tránh khỏi” - ông Đức chia sẻ.
Không có đơn hàng khiến quy mô sản xuất ngày càng thu hẹp cũng là thực trạng diễn ra tại Cty TNHH May Việt Hàn (huyện Kiến Thụy). Theo ông Hoàng Ngọc Minh - Chủ tịch LĐLĐ huyện Kiến Thụy, Cty May Việt Hàn là DN đông LĐ nhất trên địa bàn huyện với 900 LĐ, chuyên sản xuất các loại áo khoác xuất sang thị trường Mỹ. Nhưng do ảnh hưởng dịch COVID-19, Cty đã cắt giảm hơn 100 LĐ và tháng 7 tới đây sẽ tiếp tục cắt giảm khoảng 100 LĐ.
Ông Vũ Ngọc Thức - Chủ tịch CĐ ngành Công Thương Hải Phòng - cho hay, nếu như các DN khối may mặc vẫn chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì khối DN giày da dần phục hồi sản xuất sau một thời gian dài loay hoay với bài toán cắt giảm LĐ. Điển hình như tại Cty TNHH Công nghiệp Giày Aurora Việt Nam (gần 8.000 LĐ), DN lớn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 dẫn đến phải cắt giảm gần 1.800 LĐ. Đến nay, DN này phục hồi sản xuất, ký mới nhiều đơn hàng, bảo đảm việc làm cho NLĐ đến hết năm 2020.
Trao đổi với Lao Động, ông Tống Văn Băng - Chủ tịch LĐLĐ TP.Hải Phòng - nói rằng: “Tới đây, LĐLĐ TP.Hải Phòng tiếp tục bám sát diễn biến LĐ, tình hình việc làm, thu nhập cũng như thực hiện chính sách, chế độ liên quan đến NLĐ. Trên cơ sở đó, LĐLĐ TP.Hải Phòng sẽ triển khai kế hoạch hỗ trợ giai đoạn 2 với NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, vừa động viên NLĐ, vừa chia sẻ với DN. Cùng với đó, LĐLĐ TP phối hợp cơ quan chức năng kết nối nhu cầu việc làm của NLĐ và DN, giúp NLĐ sớm ổn định việc làm, cuộc sống” - ông Tống Văn Băng nói.