Ngày 1.7, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội nghị lần thứ 21 (khoá XII) dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tham dự hội nghị có đại diện các ban xây dựng Đảng Trung ương.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến, với sự tham gia của 4 điểm cầu, bàn về 19 nội dung.
Trình bày về tờ trình báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đề ra chỉ tiêu “Đến năm 2023 kết nạp 2 triệu đoàn viên”. Kết quả, đến nay, các cấp công đoàn đã kết nạp 2.293.126 đoàn viên, vượt chỉ tiêu trước 2 năm. Tuy nhiên, trên thực tế, tính đến hết năm 2020, số đoàn viên công đoàn cả nước là 10.350.024 đoàn viên, thực tăng 298.972 đoàn viên so với thời điểm đầu nhiệm kỳ.
Mặt khác, Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị xác định mục tiêu: “Đến năm 2023 phấn đấu có 12 triệu đoàn viên”.
Ông Trần Thanh Hải cho biết, Thường trực Đoàn Chủ tịch đề xuất Đoàn Chủ tịch trình Ban Chấp hành về chỉ tiêu phát triển đoàn viên trong nửa nhiệm kỳ còn lại là: "Hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, phấn đấu đến năm 2023 có 12 triệu đoàn viên công đoàn".
Về nội dung này, ông Nguyễn Đình Khang cho rằng, để đạt được mục tiêu về phát triển đoàn viên trong Nghị quyết 02-NQ-TW của Bộ Chính trị, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn còn rất nặng nề: Chỉ còn 1,5 năm để đạt được mục tiêu phát triển thêm 1,6 triệu đoàn viên công đoàn.
Ông Trần Quang Huy, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam phân tích: Để đạt được mục tiêu 12 triệu đoàn viên đến năm 2023 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động đến doanh nghiệp là rất khó khăn. Để đạt được mục tiêu, công tác phát triển đoàn viên ở những nơi chưa có tổ chức công đoàn có vai trò rất quan trọng.
Theo ông Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng, mục tiêu phát triển 12 triệu đoàn viên khá khó khăn. Bởi lẽ, dưới tác động của dịch COVID-19, một ngày có hàng nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động. Còn trong khối hành chính sự nghiệp đang thực hiện tinh giản biên chế. Trong bối cảnh như vậy, cần có chương trình cụ thể để thực hiện mục tiêu trên.
Bà Trần Thị Diệu Thuý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh nêu thực tế tại địa phương: Đến năm 2020, Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành chỉ tiêu phát triển đoàn viên mới, nhưng con số đoàn viên ra khỏi hệ thống và xoá tên công đoàn cơ sở là tương đương. Nguyên nhân chủ yếu là do dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nhiều tới tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh đề xuất công đoàn cần nắm bắt thống kê của ngành lao động thương binh xã hội về số việc làm được tạo ra, từ đó tính được số lao động chính thức, có giao kết hợp đồng để làm cơ sở đánh giá được thực chất kết quả thực hiện.