Nhiều chính sách nhưng chỉ nhận được 800.000 đồng
Đến giữa tháng 10.2021, tại khu dân cư Việt Sing, phường An Phú (TP.Thuận An, Bình Dương), nhiều người chưa được đi làm. Chị Nguyễn Thị Nguyệt (34 tuổi, quê Phú Thọ) làm công nhân, từ khi dịch xảy ra đến nay bị mất việc làm nên chỉ biết ở nhà trọ.
Chị Nguyệt cho biết, tiền tích trữ được chỉ đủ cầm cự 2 tháng đầu. Sau này chị được Nhà nước hỗ trợ lương thực, tuy nhiên 2 người cùng phòng trọ chỉ được nhận 1 suất hỗ trợ nên phải chia nhau tằn tiện sống qua ngày.
“Rồi lương thực cũng hết, tiền trọ phải xin nợ chủ nhà, để có tiền ăn tôi phải mượn anh em bạn bè ở quê. Về tiền hỗ trợ, dù nghe nhiều chính sách nhưng cho đến ngày 11.10 chúng tôi chưa nhận được đồng nào. Chỉ đến khi báo chí phản ánh thì ngày 14.10 mới nhận được 800.000 đồng (hỗ trợ tiền ăn và thuê trọ từ chính sách riêng của tỉnh Bình Dương). Việc các chính sách đến chậm khiến chúng tôi gặp khó khăn suốt thời gian qua” - chị Nguyệt chia sẻ.
Trong khi đó, tại thị xã Bến Cát, nhiều người cũng chỉ mới nhận được hỗ trợ 800.000 đồng. Các khoản tiền hỗ khác như trợ cấp mất việc làm, thất nghiệp,... nhiều lao động vẫn chưa nhận được. Chị H’ Ceo Byă (29 tuổi, quê Đắk Lắk) cho biết, đã trở lại công ty giày da ở KCN Mỹ Phước làm việc.
“Sau nhiều tháng chờ đợi tôi đã đi làm trở lại. Tuy nhiên đời sống lúc này còn khó khăn. Thời gian dài nghỉ dịch chỉ được hỗ trợ 800.000 đồng, số tiền này chỉ đủ dè sẻn sinh hoạt trong khoảng 20 ngày. Tôi mong các chính sách còn lại, công ty nhiệt tình làm hồ sơ và các cơ quan linh động để chúng tôi sớm nhận được hỗ trợ” - chị H’ Ceo Byă chia sẻ.
Chị Bùi Thị Hôn (28 tuổi, quê Hòa Bình) cũng hy vọng các chính sách khác như Nghị quyết 68, hay Nghị quyết 116 sẽ linh động hơn để người lao động nhận được hỗ trợ đúng thời điểm đang gặp khó khăn.
Chính sách riêng của Bình Dương chi sót hàng trăm nghìn người
Đầu tháng 8.2021 là thời điểm nhiều người động ở Bình Dương gặp khó khăn nhất. Để đảm bảo an sinh, tỉnh Bình Dương đã quyết định hỗ trợ 800.000 đồng tiền thuê trọ và lương thực theo Nghị quyết 04 và Quyết định 12 của HĐND và UBND tỉnh. Lúc này, lãnh đạo tỉnh Bình Dương hối thúc các địa phương khẩn trương lập danh sách, chi hỗ trợ kịp thời cho người dân; yêu cầu việc lập danh sách và chi hỗ trợ xong trước ngày 31.8.
Sở LĐTBXH Bình Dương cũng liên tiếp ban hành văn bản hướng dẫn đề nghị các địa phương linh động giải quyết để người dân khó khăn nhận được hỗ trợ. Chỉ cần có mặt tại thời điểm lập danh sách, không yêu cầu phô tô công chứng giấy tờ, không phân biệt người tạm trú hay thường trú, chỉ cần đang thuê thuê nhà, thuê trọ gặp khó khăn và có mặt tại thời điểm lập danh sách sẽ được hỗ trợ. Tuy nhiên, người lao động ở nhiều nơi vẫn than vãn việc chi hỗ trợ chậm. Đến giữa tháng 9.2021, nhiều người khiếu nại bị bỏ sót, không nhận được hỗ trợ.
Báo Lao Động đã liên tục phản ánh về vấn đề này, các sở ngành liên quan và lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng xác nhận có nhiều trường hợp sót và yêu cầu rà soát. Cá biệt, chỉ riêng khu phố 4, P.An Phú, TP.Thuận An, bỏ sót 14.000 người trong việc chi trả hỗ trợ 800.000 đồng tiền ăn và tiền thuê trọ.
Ngoài ra, các phường khác của TP.Thuận An và TX.Tân Uyên cũng bỏ sót hàng chục ngàn người. Lãnh đạo các địa phương lý giải, việc hỗ trợ bị sót do thời gian qua phải tập trung chống dịch, không đủ lực lượng chi hỗ trợ.
Bà Nguyễn Ngọc Hằng - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho hay, qua rà soát, đến ngày 19.10, toàn tỉnh đã chi bổ sung cho 101.000 trường hợp theo Nghị quyết 04 và 97.000 người theo Quyết định 12. Hiện TX. Tân Uyên vẫn còn khoảng 49.000 trường hợp chưa nhận hỗ trợ tiền ăn và tiền thuê trọ, địa phương đã tiếp tục chi khoản hỗ trợ này cho người dân.
Khẩn trương rà soát, khắc phục
Ngày 21.10, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, việc chậm giải quyết chính sách cho một số đối tượng với nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Trong thời gian tới, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các địa phương phải khẩn trương khắc phục, không để bỏ sót trường hợp người dân khó khăn cần được hỗ trợ. Các sở ngành nhanh chóng thông tin để doanh nghiệp đẩy nhanh việc đăng ký và giải quyết hồ sơ cho người lao động theo các nhóm chính sách, đặc biệt là nhóm người lao động mất việc, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.