Anh Hà Doãn Du cùng vợ đều làm công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. Trước ngày 9.8, anh Du, cũng như nhiều công nhân khác vẫn được đi làm. Sau khi đi xét nghiệm COVID-19 vào ngày 9.8, anh nghỉ ở nhà vì nơi anh ở đang nằm trong khu vực bị phong toả.
Từ ngày hôm đó, cả gia đình anh, gồm vợ chồng, 2 con và cậu em vợ (cũng là công nhân) đều ở nhà, không đi đâu, có việc mới xuống sảnh. Anh chị được phép đi chợ vào các ngày lẻ, nhưng để phòng chống dịch, vợ anh chỉ đi chợ 2 lần một tuần. Vợ anh tìm mua những loại củ, quả như bí đao, khoai tây… để có thể bảo quản được lâu mà không cần tủ lạnh.
“Hiện công ty vẫn chưa thông báo nghỉ như thế này có được lương hay không”- anh Du nói và cho biết, hai vợ chồng đều thu nhập thấp, không dành dụm được mấy. Vì vậy, nếu ở nhà 1-2 tháng, gia đình anh còn cầm cự được; nếu hơn thời gian trên thì gia đình sẽ rơi vào tình cảnh chật vật, thiếu thốn.
Anh Du nói thêm, anh cũng chưa được thông báo khi nào sẽ được đi làm trở lại. “Tôi mong muốn dịch sớm được kiểm soát để công nhân chúng tôi được đi làm trở lại, có thu nhập”- anh Du bày tỏ.
Sống cùng khu chung cư với anh Du, anh Nhữ Văn Thu cùng vợ và 2 con cũng đang nghỉ làm, ở nhà 1 tuần nay. Hôm trước, vợ anh đã đi xét nghiệm COVID-19 theo yêu cầu, kết quả âm tính. Cũng giống như anh Du, anh Thu cho hay, anh chưa được thông báo rằng nghỉ làm như này thì có được hưởng lương hay không.
Vợ chồng anh Thu cũng hạn chế đi chợ; bữa cơm cũng đạm bạc hơn do ảnh hưởng của dịch. Trước đây, khi đang đi làm, có thu nhập, mặt hàng của chợ còn đa dạng, vợ anh hay mua nhiều món để đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho cả nhà. Còn bây giờ, việc đi chợ khó hơn, nên hầu như các bữa ăn của gia đình chỉ có thịt lợn và rau. Hơn nữa, thịt lợn vẫn là thực phẩm chủ yếu, dễ mua hơn các loại thịt khác. Tủ lạnh bé, nên vợ chồng anh không thể trữ nhiều thực phẩm.
“Vẫn chưa rõ nếu nghỉ làm như thế này thì có thu nhập hay không, nên vợ chồng tôi phải tính toán để giảm các chi phí đi. Giá cả các loại thực phẩm cũng tăng hơn trước. Ví dụ, thịt lợn vai trước tôi mua giá 120.000 đồng/kg, bây giờ tăng lên 150.000 đồng/kg; rau trước đây 4.000-5.000 đồng/mớ, vừa rồi tôi mua mớ rau ngót là 10.000 đồng”- anh Thu chia sẻ.
Anh Thu cho hay, cả hai vợ chồng đều cố gắng ăn uống, chi phí ít đi, tiết kiệm mọi khoản chi có thể để có thể “cầm cự” được lâu nhất. Cũng như nhiều gia đình công nhân khác, vợ chồng anh Thu chỉ có thu nhập đủ cho sinh hoạt hàng tháng, không thể dành dụm được nhiều.
“Nếu dịch bệnh còn kéo dài thì như nhiều người khác, gia đình tôi cũng sẽ căng thẳng về vấn đề tiền bạc. Chỉ mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để chúng tôi được đi lại, làm việc bình thường”- anh Thu bày tỏ.