Nhiều năm qua, các phong trào thi đua yêu nước tại tỉnh Nam Định được đông đảo cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ tích cực hưởng ứng, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức CĐ. Xin ông cho biết, LĐLĐ tỉnh Nam Định đã có những cách làm gì để phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua?
- Nhiều năm qua, LĐLĐ tỉnh Nam Định và Ban Thi đua khen thưởng tỉnh đã ký chương trình phối hợp về “Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và phát hiện, biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến giai đoạn 2014-2018”. Đồng thời, LĐLĐ tỉnh tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, mô hình mới trong CNVCLĐ như: Phối hợp với các cơ quan truyền thông của Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, biểu dương các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; thường xuyên giới thiệu các tấm gương điển hình, mô hình mới, các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong các phong trào thi đua để tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông.
Trong những năm qua, LĐLĐ tỉnh Nam Định còn tổ chức nhiều hình thức biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, trong đó chú trọng đối tượng CNVCLĐ trực tiếp sản xuất và công tác như: Trao tặng Giải thưởng Nguyễn Đức Thuận 5 năm hai lần (từ năm 2009 đến nay đã có 116 CNLĐ trực tiếp sản xuất, công tác được nhận giải). Từ năm 2014 đến nay đã tổ chức biểu dương, tôn vinh 353 CNLĐ, chủ tịch CĐCS, trưởng ban nữ công tiêu biểu. Hằng năm, LĐLĐ tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ khen thưởng phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, khen thưởng cho các tác giả đoạt giải trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh.
Để công tác tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng, nhân điển hình tiên tiến đạt hiệu quả tốt hơn, xin ông cho biết các cấp CĐ tỉnh Nam Định sẽ có những giải pháp gì?
- Thứ nhất, các cấp CĐ cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khoá XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trọng tâm là thực hiện các phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Thi đua học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển”.
Bên cạnh đó, các cấp CĐ cần chủ động xây dựng kế hoạch phát động các phong trào thi đua trong CNVCLĐ sát thực với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị, DN và nhiệm vụ của tổ chức CĐ (gồm phong trào thi đua thường xuyên hằng năm, thi đua theo đợt và chuyên đề). Cùng với đó, trong quá trình tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, các cấp CĐ, nhất là cấp cơ sở cần chủ động phát hiện các nhân tố tích cực của tập thể, cá nhân để có kế hoạch bồi dưỡng, sau đó tổ chức nghiệm thu, thẩm định, trao đổi kinh nghiệm để hoàn thiện các mô hình, điển hình.
Ngoài ra, cần định kỳ sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, rút kinh nghiệm, khen thưởng, biểu dương các điển hình tiên tiến; trong đó chú trọng đối tượng là các tập thể nhỏ và CNVCLĐ trực tiếp sản xuất, công tác; tiếp tục củng cố tổ chức, bộ máy và cán bộ làm thi đua theo hướng gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở.
- Xin cảm ơn ông!