Công nhân chỉ dám nghỉ phép 1 ngày để đi khám bệnh
Sáng 22.2, tại Phòng khám Đa khoa cơ sở 2 bệnh viện Nam Thăng Long (khu nhà ở công nhân, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội), chị Lê Ngọc Hà (công nhân Công ty Nissei) đang ngồi chờ kết quả xét nghiệm máu.
Thuê trọ tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, chị Hà đăng ký khám bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Nam Thăng Long. Nữ công nhân này cho biết mình được nghỉ làm để đi khám thai tháng thứ 5. “Bình thường, tôi đi khám rất thuận lợi, không phải chờ đợi lâu. Do lần này xét nghiệm chỉ số đường huyết nên tôi phải chờ gần 2 giờ” - chị Hà cho hay. Theo chị Hà, nếu bị ốm đau thông thường, chị vẫn khám tại nơi đăng ký thẻ bảo hiểm y tế; còn nếu bệnh nặng hơn hay khám chuyên khoa thì sẽ được bệnh viện chuyển lên tuyến trên.
Chị Trịnh Thị C (công nhân Khu công nghiệp Thăng Long) cho biết, đối với các bệnh thông thường, chị thường ra Phòng khám Đa khoa cơ sở 2 của Bệnh viện Nam Thăng Long để khám, chữa bệnh. Đây là nơi công ty chị đăng ký khám bệnh bảo hiểm y tế cho công nhân. Đối với các con, chị sẽ đưa đi khám tại Trạm Y tế xã Kim Chung - là nơi đăng ký bảo hiểm y tế.
“Với các bệnh chuyên khoa khác, tôi thường đi đến các bệnh viện nội thành, khám dịch vụ chứ không khám theo bảo hiểm y tế” - nữ công nhân đang thuê trọ tại chung cư CT1A (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) cho hay.
Lý giải nguyên nhân không khám bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế công lập tại xã Kim Chung rồi chuyển tuyến để đỡ chi phí, chị C cho hay, nếu như vậy thì sẽ mất rất nhiều thời gian.
“Để đi khám chữa bệnh, tôi chỉ xin nghỉ phép 1 ngày. Công ty nơi tôi làm việc có chính sách khuyến khích công nhân chuyên cần, nên nếu nghỉ phép 2 ngày thì sẽ bị trừ 200.000 đồng; nếu nghỉ nhiều hơn thì sẽ không được nhận 400.000 đồng tiền chuyên cần. Đối với công nhân, một vài trăm nghìn cũng quý nên tôi không muốn nghỉ phép nhiều hơn” - chị C chia sẻ.
Đi khám bệnh trong nội thành Hà Nội, nữ công nhân phải thức dậy từ sớm, tốn thêm nhiều khoản như xăng xe, ăn uống, ngủ nghỉ, tiền khám dịch vụ… nhưng bù lại, chị được khám bệnh nhanh hơn, có thể gói gọn trong vòng 1 ngày để ngày hôm sau có thể trở lại làm việc. Đặt lên bàn cân giữa tốn thời gian và tốn tiền, chị C đành chọn vế thứ 2.
“Tôi mong muốn tại khu vực có đông công nhân sinh sống như khu công nghiệp Thăng Long có thêm các bệnh viện có thể điều trị các bệnh chuyên sâu để công nhân không phải mất thời gian, chi phí đi vào nội thành khám, chữa bệnh” - chị C mong muốn.
Đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh thông thường
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Hoàng Đức Khang - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội - cho hay, hiện trên địa bàn xã có các cơ sở y tế công lập: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; Phòng khám Đa khoa Trung tâm y tế huyện Đông Anh; Trạm Y tế xã Kim Chung; Phòng khám Đa khoa cơ sở 2 Bệnh viện Nam Thăng Long. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 15 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân nhỏ lẻ.
“Cư dân của xã có khoảng 13.000 người, còn công nhân lao động (theo số liệu khai báo tạm trú) là khoảng 14.000-15.000 người. Về cơ bản, các cơ sở y tế công lập đáp ứng được nhu cầu khám chữa các bệnh thông thường của người dân. Các cơ sở công lập này cũng là nơi nhiều doanh nghiệp đăng ký khám bảo hiểm y tế cho công nhân” - Phó Chủ tịch xã Kim Chung cho hay.
Tại xã Kim Chung có trạm y tế, nhưng hiện tại chỉ có 9 nhân viên, trong khi phải làm rất nhiều việc, số lượng người dân lớn, nên trạm thường lâm vào tình trạng quá tải. Ông Khang cho rằng, muốn đầu tư thêm các cơ sở y tế công lập tại xã để phục vụ tốt hơn cho công nhân lao động thì cần phải triển khai theo quy hoạch.
“Trong thời gian tới, dự kiến số lượng công nhân lao động và cư dân tại xã vẫn đông nên nhu cầu khám chữa bệnh rất lớn, vì vậy, nếu được đầu tư, phát triển thêm các cơ sở y tế công lập là rất tốt” - ông Khang cho hay.
Ngoài ra, theo vị cán bộ xã này, để tạo điều kiện cho công nhân lao động, nhất là những trường hợp hoàn cảnh khó khăn đi khám bệnh, rất cần sự phối hợp giữa doanh nghiệp và nơi khám chữa bệnh. Nếu làm tốt sự phối hợp giữa 2 nơi này thì công nhân lao động sẽ khám chữa bệnh nhanh chóng, thuận lợi hơn, đỡ mất thời gian, đảm bảo quyền lợi của họ.