Trao đổi với anh Phan Chính Quý - Tổng Giám đốc Tập đoàn Pro Sports, phóng viên không khỏi ấn tượng với những gì tập đoàn mang lại cho người dân và các vùng quê. Tập đoàn đã thành lập 4 nhà máy với quy mô gần 10.000 lao động tại huyện Giao Thủy (Nam Định) và huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Theo anh Quý, mục tiêu quan trọng nhất Pro Sports chọn các vùng nông thôn để sản xuất chính là mang đến một nguồn thu nhập tốt và ổn định cho công nhân lao động. Người dân có thể tự tin rời việc đồng áng hoặc làm song song công việc hiện tại với mức thu nhập trung bình 7,5 triệu đồng/tháng, nếu tay nghề tốt, thu nhập có thể lên đến 15 triệu đồng/tháng.
Anh Quý tự hào chia sẻ, khi thu nhập được đảm bảo, người lao động sẽ không phải đi xa, đến các thành phố lớn để làm việc. Nhờ vậy mà có nhiều thời gian hơn bên gia đình để chăm sóc cha mẹ, con cái. Đồng thời, các chi phí nhà trọ, sinh hoạt cũng được cắt bỏ, tiết kiệm tối đa. Suy xét sâu rộng hơn, khi người lao động có thu nhập ổn định cũng giúp giảm thiểu các tệ nạn xã hội.
"Mục tiêu tiếp theo của Pro Sports là phát triển kinh tế nông thôn bền vững. Hiện tại ở huyện Giao Thủy, Nam Định, Pro Sports là một trong những doanh nghiệp đóng góp khá lớn vào nền kinh tế chung toàn huyện cũng như thực hiện tốt vai trò của doanh nghiệp đối với cộng đồng và Nhà nước" - anh Quý cho hay.
Sau một thời gian dài đi làm, tích lũy đủ kinh nghiệm và tài chính, anh Nguyễn Văn Tuấn (35 tuổi) ngụ tại huyện Trực Ninh, Nam Định đã quyết định thành lập công ty may tại huyện nhà để giúp người lao động có công việc, thu nhập ổn định tại chính quê hương.
"Xuất phát từ nông thôn nên tôi hiểu rõ những khó khăn trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Nếu chỉ làm những công việc bình thường, thu nhập khá thấp đồng thời cũng không ổn định. Vì thế, tôi mở doanh nghiệp là để mọi người có một công việc đều đặn hàng ngày, an tâm đảm bảo bảo cuộc sống" - anh Tuấn nói.
Để hoàn thành mục tiêu này, hàng ngày hai vợ chồng anh Tuấn phải nỗ lực rất nhiều đến tối muộn mới nghỉ ngơi. Anh Tuấn thực hiện vai trò tìm kiếm khách hàng, đảm bảo lúc nào cũng có đơn hàng để công nhân làm việc còn vợ anh sẽ tập trung quản lý xưởng, công nhân hàng ngày.
Theo quan sát, sau gần 2 năm đi vào hoạt động, công ty anh Tuấn đã tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động, góp sức phát triển kinh tế chung của toàn huyện cũng như đảm bảo thu nhập từ 6 - 9 triệu đồng cho rất nhiều người dân trong huyện Trực Ninh.