100% CĐCS trực thuộc hưởng ứng
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Hồng Chiến - Trưởng ban Tuyên giáo CĐ Dệt May VN - cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và Chương trình 1464/CTr-TLĐ ngày 8.10.2013 của Tổng LĐLĐVN về “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động”, CĐ Dệt May VN đã sớm chỉ đạo và hướng dẫn các CĐCS trực thuộc tổ chức triển khai thực hiện chương trình với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng phù hợp với thực tế của ngành, đơn vị. Qua đó, 100% CĐCS trực thuộc đã tích cực hưởng ứng chương trình.
Trong giai đoạn 2013-2016 đã có 81.332 đoàn viên và CNLĐ trong các cơ quan, đơn vị, DN thuộc hệ thống CĐ Dệt May VN được đào tạo nghề; 79.467 đoàn viên và CNLĐ được thi tay nghề; 38.226 CNVCLĐ được học bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ… Điển hình là TCty Dệt May Nam Định từ năm 2013-2016 có 3.706 CNLĐ được đào tạo tay nghề, 2.241 CNLĐ được thi tay nghề, 200 CNLĐ được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; TCty May 10 - Cty CP có 9.899 CNLĐ được đào tạo tay nghề, 9.899 CNLĐ được thi tay nghề, 250 CNLĐ được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; tương tự là Cty CP Dệt May Huế với 3.493 CNLĐ được đào tạo tay nghề, 3.911 CNLĐ được thi tay nghề và 416 CNLĐ được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.
Các CĐCS cũng đã tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, đối thoại với người sử dụng lao động, vận động người sử dụng lao động hằng năm bố trí thời gian, kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi để NLĐ học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Các CĐCS chủ động đưa nội dung học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và NLĐ vào nội dung Nghị quyết hội nghị NLĐ, nội quy, quy chế của đơn vị; thống nhất cùng lãnh đạo đơn vị, DN coi việc đoàn viên, NLĐ học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp là một trong các tiêu chí để sắp xếp tổ chức, đề bạt, bổ nhiệm, nâng lương, bình xét thi đua, khen thưởng hằng năm.
Chị Trương Thị Minh - công nhân Cty CP May Đáp Cầu - chia sẻ: “Tôi thuộc nhóm công nhân mới ở Cty, được đào tạo nghề, lại được đảm bảo các chế độ của NLĐ nên tôi rất phấn khởi và luôn biết ơn lãnh đạo Cty và CĐ Cty quan tâm. Nhờ được nâng cao kỹ năng nghề nghiệp nên năng suất lao động được nâng lên, thu nhập của tôi cũng tăng từ 5 triệu đồng/tháng lên 6 triệu đồng/tháng. Điều này giúp tôi ngày càng tự tin hơn trong công việc”.
Cụ thể hóa trong thỏa ước lao động
Để góp phần nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên, NLĐ trong thời gian tới, các cấp CĐ Dệt May VN đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm thúc đẩy và nâng cao kỹ năng nghề cho NLĐ; Thứ hai, đổi mới hoạt động của tổ chức CĐ trong việc nâng cao kỹ năng nghề cho NLĐ, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức NLĐ; Thứ ba, chỉ đạo các CĐCS tăng cường phối hợp với người sử dụng lao động trong xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề cho NLĐ và vận động NLĐ tham gia học tập gắn với việc nâng cao thu nhập cho NLĐ; Thứ tư, thực hiện tốt vai trò, chức năng của CĐ tại DN. Nâng cao chất lượng thương lượng tập thể và ký kết TƯLĐTT.
Nắm vững trình độ nghề nghiệp của CNLĐ, tình hình thực tế của DN và nhu cầu sử dụng lao động để có cơ sở thoả thuận với người sử dụng lao động đưa nội dung nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp cho CNLĐ vào nội dung TƯLĐTT của DN nhằm tạo điều kiện thời gian, cơ sở vật chất, kinh phí để họ chủ động tham gia học tập; đề xuất, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” động viên NLĐ rèn luyện tay nghề, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, phát huy sáng kiến thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho DN và cải thiện thu nhập cho NLĐ; Thứ năm, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan nghiên cứu, tổ chức nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng, học tập phù hợp nhằm khuyến khích và thu hút NLĐ có điều kiện tích cực tham gia học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.