Nhiều ngành nghề sẽ có biến động LĐ lớn
Chủ tịch CĐ Công Thương Việt Nam Trần Quang Huy nhận định, với sự phát triển công nghệ, tăng cường ứng dụng tự động hóa cao, nhiều ngành nghề sẽ biến động lao động, việc làm rất lớn và người lao động (NLĐ) là đối tượng chịu tác động mạnh mẽ nhất của sự phát triển CMCN 4.0, nhất là những người có chuyên môn, kỹ thuật thấp, chủ yếu làm công việc giản đơn và chịu nhiều rào cản của xã hội.
“Mỗi NLĐ phải ý thức tự có kế hoạch, phương án thực hiện để xây dựng tâm lực, trau dồi trí lực, sẵn sàng về năng lực, nâng cao thể lực để đối mặt với thách thức, áp lực và tạo sự bứt phá từ CMCN 4.0. NLĐ trong CMCN 4.0 cần sử dụng và phát huy tối đa khả năng học tập, sáng tạo, làm việc nhóm, chấp nhận thay đổi nghề nghiệp cũng như chỗ làm việc và phải có tinh thần học tập suốt đời. LĐ trình độ cao cũng phải liên tục học tập, cầu tiến vì sự phát triển của máy móc đang theo rất sát phía sau” - ông Trần Quang Huy cho biết.
Để giúp NLĐ, theo ông Huy, tổ chức CĐ cần tư vấn, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hiểu biết về bản chất, nội dung, những thay đổi và những thách thức của CMCN 4.0 đến NLĐ. Khi nhận thức rõ về bản chất, những thách thức, NLĐ sẽ nhận thức tốt được vai trò, vị trí của mình trong xã hội, từ đó học tập nâng cao năng lực để có kỹ năng cao hơn, khả năng sáng tạo, linh hoạt với công việc và giao tiếp, trình độ ngoại ngữ, tin học…
CĐCS phối hợp tốt với người sử dụng LĐ
Theo bà Tôn Kim Thúy - Chủ tịch LĐLĐ huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên - để CNLĐ được nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 đang tới, điều quan trọng và trước tiên là phải thay đổi tư duy, nhận thức của NLĐ về điều này. Muốn làm được thế, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho NLĐ. Hiện nay, ở nhiều nơi còn coi nhẹ việc này, đồng thời các phương thức tuyên truyền còn chưa hiệu quả. Vì vậy, cần đổi mới hình thức, đa dạng phương thức tuyên truyền, giáo dục tới NLĐ. Hiện nay, LĐLĐ huyện Văn Lâm đang tổ chức tuyên truyền tới CN theo mô hình “xương cá”, hoạt động theo nhóm để tuyên truyền lan tỏa nhiều nhất tới CN. Cùng với đó, nhận thức của người chủ sử dụng lao động cũng cần sự thay đổi, để họ biết lắng nghe và quan tâm trong công tác đào tạo nâng cao tay nghề cho NLĐ. Ngoài ra, các cấp chính quyền phải vào cuộc mạnh mẽ thì mới có thể có sự chuyển biến.
Ông Nguyễn Thế Quyết - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Bắc Ninh - chia sẻ, chuyển đổi sang công nghệ 4.0 là xu hướng tất yếu khách quan đối với các DN. Để có đội ngũ CNLĐ kỹ thuật cao trước bối cảnh này, Đảng và Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho DN đào tạo đội ngũ CNLĐ này. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ cho các DN để đào tạo đội ngũ CNLĐ, giải quyết việc làm cho NLĐ. “Đối với tổ chức CĐ, cần phát động các phong trào tự học tập, tự nâng cao tay nghề của CNLĐ. Ngoài ra, các CĐCS cần đề xuất với chủ sử dụng lao động xây dựng những kế hoạch để đào tạo cho người lao động tại DN; đề nghị DN tạo điều kiện về mặt thời gian trong các ngày để tự đào tạo trong DN, nâng cao trình độ tay nghề cho NLĐ. Thời kỳ công nghiệp 4.0 buộc người dân phải thích ứng, trong đó có CNLĐ” - ông Quyết nêu ý kiến.