Ngày 10.10, Ban Thường vụ Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức “Đối thoại trực tuyến giữa đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa X và cử tri trẻ năm 2021”.
Chương trình với 82 điểm cầu cơ sở gồm 27 đơn vị trực thuộc Thành Đoàn và Đoàn thanh niên 56 xã phường với gần 500 cán bộ Đoàn, Đoàn viên thanh niên trên toàn địa bàn thành phố tham gia.
Tại chương trình đối thoại, các cử tri trẻ đã đặt những câu hỏi xoay quanh các chủ đề về các chủ trương, chính sách của thành phố trong công tác phòng chống dịch. Đặc biệt, trước sự ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến đời sống kinh tế, vấn đề việc làm, khởi nghiệp được nhiều thanh niên quan tâm.
Trao đổi về việc này, ông Nguyễn Mạnh Dũng – Đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố khoá X, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng cho biết, nhu cầu việc làm sau dịch bệnh là vấn đề được xã hội nói chung và thanh niên nói riêng luôn quan tâm.
Dịch bệnh COVID-19 đã tác động rất lớn đến đời sống người dân. Tại TP.Đà Nẵng, nhiều người bị thất nghiệp, nhất là ngành du lịch, dịch vụ, trong đó có lực lượng thanh niên.
“Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, có rất nhiều bạn trẻ lại có ý tưởng, sáng tạo và mong muốn lập nghiệp, làm giàu tại chính quê hương mình nhưng lại thiếu nguồn vốn, thiếu diễn đàn để kết nối chia sẻ kinh nghiệm... Vì vậy, Thành Đoàn Đà Nẵng đang xây dựng kế hoạch, xin ý kiến của thành phố để lập quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Chúng tôi đang làm đề án để xin ý kiến các Sở, ngành, sau đó sẽ trình UBND thành phố phê duyệt. Tôi đang rất trông chờ quỹ khởi nghiệp này ra đời.
Hiện nay, tại huyện Hòa Vang cũng đã có mô hình tập hợp được các thành phần cá thể là thanh niên tham gia khởi nghiệp từ đó có cách hỗ trợ riêng.
Song song với quỹ khởi nghiệp thì các quận huyện Đoàn cũng cần học tập mô hình này, phải nắm bắt được tình hình thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn của mình để thành lập thành câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Từ đó, chúng ta có những diễn đàn, hội thảo để chia sẻ những kinh nghiệm khởi nghiệp, lập nghiệp với nhau, phát hiện ra những mô hình tốt, hiệu quả để nhân rộng.
Đặc biệt, việc giúp thanh niên lập nghiệp sẽ giữ chân được lao động và chất xám cho địa phương, tránh tâm lý di chuyển lao động đi các nơi khác như những năm qua và rồi để xảy ra tình cảnh khi họ mất việc vì dịch thì cũng là lúc cạn nguồn kinh tế” – ông Dũng cho hay.