Dự báo thị trường lao động
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong quý III.2021, số người tham gia lao động của cả nước là 43,2 triệu người, giảm 1,9 triệu người so với quý II, giảm 3 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Đánh giá về tác động của dịch COVID-19 đến thị trường lao động, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, trong thị trường lao động Việt Nam đang tồn tại và tiềm ẩn nguy cơ cả về cung lẫn cầu lao động. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ đứt gẫy chuỗi cung ứng nhân lực khi một số lao động bị giảm việc làm, mất việc làm và thất nghiệp ngày càng gia tăng.
Ông Lợi cho rằng, khi các địa phương bắt đầu mở cửa thì thị trường lao động lại có rất nhiều biến động. Dự báo đầu tiên, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có chuyên gia nước ngoài và người lao động nước ngoài cũng như các doanh nghiệp thu hút lao động từ tỉnh ngoài, nguồn cung ứng lao động trở lại làm việc bị thiếu hụt một cách nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, chi phí sử dụng lao động trong thời kì này cũng cao hơn khi các doanh nghiệp phải đầu tư thêm để thực hiện các biện pháp an toàn trong lao động.
Hơn nữa, theo ông Lợi, nghịch lý lớn nhất của cung cầu lao động hiện nay là tình trạng lao động vừa thiếu lại vừa thừa. Nơi thiếu thì làm cho sản xuất bị đình trệ, nơi thừa thì gây ra tình trạng thất nghiệp và các vấn đề xã hội phức tạp.
Vai trò trung tâm dịch vụ việc làm
Đánh giá về vai trò của trung tâm dịch vụ việc làm giai đoạn này, ông Lợi cho rằng, trung tâm phải là chỗ dựa vững chắc cho tất cả các đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động, đặc biệt là những lao động yếu thế.
Hoạt động giới thiệu việc làm, cung ứng lao động có thể thực hiện qua nhiều hình thức, trực tiếp, gián tiếp qua cổng thông tin điện tử về việc làm, qua website, qua điện thoại, tin nhắn để tạo thành mạng lưới bao phủ trên toàn quốc, có tính liên thông.
Trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, đòi hỏi các Trung tâm dịch vụ việc làm phải tổ chức thu thập, cập nhật thông tin, vị trí việc làm còn trống. Chia sẻ thông tin trên toàn quốc để kết nối thông tin cung cầu lao động trên thị trường.
"Định kỳ chúng ta phải phân tích, đưa ra các bản tin về thị trường lao động, bản tin dự báo thị trường lao động ngắn hạn trên địa bàn các địa phương để giải quyết 2 nhóm giải pháp quan trọng là hỗ trợ cho doanh nghiệp và xử lý vấn đề có liên quan đến chính sách của người lao động như là chính sách bảo hiểm thất nghiệp"-ông Lợi nói thêm.
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng dịch COVID-10, các phiên giao dịch việc làm được chuyển sang hình thức cung cấp thông tin thị trường lao động, kết nối việc làm bằng hình thức trực tuyến, online cho doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng và người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm.
Trung tâm tăng cường rà soát, thu thập thông tin, cập nhật tình trạng việc làm của người lao động và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt biến động lao động do ảnh hưởng từ dịch bệnh; tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu về cung - cầu trên địa bàn Thành phố.
Theo ông Thành, đồng thời, cũng thực hiện công tác tổng hợp, phân tích, dự báo thị trường lao động nhằm chuẩn bị tốt nhất các phương án, kế hoạch hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp, nhất là người lao động thất nghiệp và bị ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh.
Khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt, Trung tâm DVVL Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm hàng ngày đồng bộ trên 15 Điểm/Sàn giao dịch việc làm, đồng thời nghiên cứu tổ chức các phiên chuyên đề phù hợp, các phiên lưu đồng tại các quận, huyện, thị xã để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp và người lao động phục hồi sau thời gian giãn cách.