CUỘC THI BÚT KÝ, PHÓNG SỰ VỀ CÔNG NHÂN, CÔNG ĐOÀN VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG HÀ TĨNH:

Ươm mầm hạnh phúc cho những mảnh đời trôi dạt

LÊ VĂN VỴ |

Từ những mảnh đời khó khăn, vất vả, những thân phận éo le, hàng trăm lao động, chủ yếu là nữ, đã tìm về Công ty Cổ phần Môi trường và đô thị Hà Tĩnh và nơi đây đã trở thành tổ ấm, ươm mầm hạnh phúc, hy vọng cho những con người cơ cực.

Những thân phận trôi dạt

Từ quen biết cô Lê Thị Hoài thu gom rác tại tổ liên gia, tôi tìm hiểu và chia sẻ với những người thu gom rác thải thuộc chi nhánh vệ sinh môi trường thuộc Công ty Cổ phần Môi trường và đô thị Hà Tĩnh.

Theo ông Đoàn Tuấn Dũng - Giám đốc chi nhánh vệ sinh môi trường, đơn vị có 81/300 công nhân, trong đó có 77 lao động nữ, công việc chính của họ là thu gom rác thải.

Chị Nguyễn Thị Hoài - Công ty Môi trường đô thị Hà Tĩnh sáng tạo vợt rác đang vớt cá chết tại hồ Bồng Sơn. Ảnh: Lê Văn Vỵ
Công nhân Lê Thị Hoài thu gom rác thải tại thôn Đông Tiến, xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh. Ảnh: Lê Văn Vỵ

Trong câu chuyện thân tình, ông Dũng chia sẻ, cũng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng người nông dân còn có những khoảnh khắc thả hồn mình với “hương đồng gió nội”, còn những người nhặt rác quanh năm suốt tháng đối mặt với rác bẩn, hôi thối, mất vệ sinh, nơi ruồi nhặng, gián, chuột, giòi bọ rúc mồi, chưa kể đến lớp lớp vi khuẩn không nhìn được bằng mắt thường.

Những người lao động thu gom rác ở đây chủ yếu là nữ, hoạt động trong không gian 56,19 km2 với 28.658 hộ, 202.062 nhân khẩu của 10 phường, 5 xã ở thành phố Hà Tĩnh… thường xuyên đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, với lượng rác khổng lồ và những rủi ro bất ngờ từ nghề nghiệp.

Họ đến với công ty từ những gia đình nghèo, không có điều kiện học hành. Do số phận đưa đẩy, gia đình bất hạnh, ly tán. Người thì chồng rượu chè, ốm đau, bệnh tật, người góa chồng sớm, một mình nuôi con, người ly thân, hạnh phúc gia đình không trọn vẹn…

Chị Nguyễn Thị Hà những tưởng gia đình chồng bề thế được nương dựa, nhưng khi bố chồng mất, chồng sau 10 năm xuất khẩu lao động trở về, phát bệnh tâm thần phân liệt, gia đình ly tán. Một nách chị nuôi ba con nhỏ, cháu đầu thiểu năng tuần hoàn não, hai cháu sau phải gửi về ngoại chăm sóc. Gần 10 năm nay, vợ chồng ly thân. Lao lực mưu sinh, lao tâm vì gia cảnh, người đàn bà này phải sống chung với nhiều bệnh tật. “Bao giờ cho qua kiếp nạn này”, chị Hà gạt nước mắt, nức nở.

Hy hữu như trường hợp chị Dương Thị Lệ (sinh 1985) tốt nghiệp Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Tĩnh, từng là giáo viên tại Cẩm Xuyên. Nhưng lương hợp đồng không đủ trang trải cuộc sống, Lệ rời bục giảng làm công nhân may mặc, nhân viên bán hàng, nhân viên thu ngân truyền hình cáp.

Năm 2012, chị Lệ xây dựng gia đình, năm 2017, chồng mất. Mẹ góa, con côi, đang bế tắc mưu sinh thì chị được công ty vệ sinh môi trường nhận vào làm. “Ánh sáng cuối đường hầm” mở ra. Từ đó, Lệ gắn bó với công ty. Cùng với sự đi lên của công ty, thân phận chị cũng thay đổi.

Sáng tạo nhỏ, ý nghĩa lớn

Trong hợp đồng lao động giữa công ty với người lao động ghi: Không yêu cầu bằng cấp; có điều kiện sức khỏe hoàn thành nhiệm vụ; có khả năng lao động độc lập và nhóm; đảm bảo an toàn lao động…

Công nhân môi trường Hà Tĩnh hóa trang lên sân khấu như nghệ sĩ. Ảnh: Lê Văn Vỵ
Công nhân Công ty Cổ phần Môi trường và đô thị Hà Tĩnh hóa trang lên sân khấu như nghệ sĩ. Ảnh: Lê Văn Vỵ

“Nghề chúng em là nghề thầm lặng. Lúc người khác nghỉ, mình làm, lúc người ta ngủ mình thức, nên cần nhất là tinh thần thái độ tự giác” - công nhân nữ tên Huỳnh chia sẻ.

Chị Văn Thị Sỹ luôn tâm niệm: “Công việc, đòi hỏi chúng em nỗ lực tìm kiếm những giải pháp, sáng tạo ra những dụng cụ phù hợp với công việc để tăng cường năng suất, hiệu quả”.

Theo lời của chị Sỹ, tôi đã tìm đến công trường tìm hiểu những sáng tạo nho nhỏ của chị em nhưng mang lại hiệu quả to lớn. Được giao nhiệm vụ phụ trách thu gom rác ở 6 hồ điều hòa và sông Cụt, chị Nguyễn Thị Hà đã sáng tạo nối cánh tay dài bằng bằng sào tre và phế liệu lưới bảo vệ quạt điện để thành dụng cụ vợt rác nổi trên mặt hồ. Với rác thải nhựa hay bao bóng chìm, chị đã dùng que sắt uốn 2 móc nhọn cột vào sào tre để vớt . “Nhờ những dụng cụ tầm thường này nên công việc vớt rác trở nên dễ dàng hơn” - chị Hà tươi cười khoe.

Rác thải ở hồ có khi là xác động vật, cũng có khi do khí hậu bất thường cá trong hồ chết đồng loạt bốc mùi hôi thối nồng nặc. “Công ty bổ sung nhân lực, chúng em sáng tạo ra vợt lưới dù thu gom cho vào bao tải rồi tổ vận tải chuyển đi. Để thu gom rác trên dòng sông chảy, chúng em dùng sào tre ngăn rác, hoặc lựa theo chiều gió để gom rác” - chị Hà kể.

Những sáng tạo nho nhỏ ấy nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ rồi nhanh chóng lan tỏa trong nhóm, tổ, công ty giúp lao động tìm được giải pháp phù hợp…

Một lần mặc bikini

Đội bóng nữ Công ty Môi trường đô thị Hà Tĩnh tham gia giải bóng đá nữ người lao động thành phố. Ảnh: Lê Văn Vỵ
Đội bóng nữ Công ty Cổ phần Môi trường và đô thị Hà Tĩnh tham gia giải bóng đá nữ người lao động thành phố. Ảnh: Lê Văn Vỵ

Cùng với lãnh đạo công ty, Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Môi trường và đô thị Hà Tĩnh luôn đồng hành với người lao động trong việc bảo vệ quyền lợi công nhân.

Theo chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn công ty, các chế độ lương, thưởng, bảo hiểm của người lao động được thực hiện kịp thời, đúng luật. Để giúp công nhân đảm bảo an toàn lao động, hàng năm Công đoàn đã hỗ trợ thêm cho người lao động nón lá, khăn choàng, tất cao su tay, ủng cao su đến hàng trăm triệu đồng. Những ngày cao điểm, Công đoàn cơ quan tổ chức bữa ăn tại công trường phục vụ người lao động.

Chiều chủ nhật, tôi tìm đến nhà chị Dương Thị Thiện (sinh năm 1985). Tốt nghiệp lớp 9, gia đình khó khăn, không có điều kiện học thêm, chị Thiện đã vào Nam làm ở công ty giày da. Năm 2005, mẹ mất, chị Thiện về quê chịu tang và 3 năm sau xin vào hợp đồng Công ty Cổ phần Môi trường và đô thị Hà Tĩnh. Năm 2013, lấy chồng, sinh con. Năm 2020, khi cháu thứ 2 được 2 năm tuổi thì chồng mất vì tai nạn giao thông. Thiện khóc hết nước mắt. Tháng 4.2023, mãn tang chồng được anh em bà con, bạn hữu, công ty, Công đoàn giúp đỡ, chị Thiện đã xây được nhà.

“Hoàn cảnh em mẹ góa con côi, may mắn được cơ quan Tỉnh ủy hỗ trợ 50 triệu đồng, Ngân hàng BIDV hỗ trợ 50 triệu, công ty và Công đoàn hỗ trợ 60 triệu đồng. Anh em công nhân trong đơn vị còn giúp làm cửa, lắp điện. Được “an cư, lạc nghiệp”, em cảm ơn các cơ quan ban ngành, cảm ơn công ty, Công đoàn, và thương cho những người bạn là cùng đơn vị với em như Hoàng Thị Đặng, Đào Thị Thơ, hay vợ chồng Lê Thị Hoài, Mai Quang Trung cùng với gia đình đang phải sống trong căn trọ chật hẹp, thiếu tiện nghi. Khi nào công ty, Công đoàn hỗ trợ các bạn làm nhà, em cũng sẵn lòng đóng góp” - nói xong, chị Thiện cười mà nước mắt rơm rớm.

Biết chị Dương Thị Lệ vừa cùng 44 lao động đi nghỉ dưỡng ở Phú Quốc vừa trở về, tôi gọi điện thoại xin gặp. Chị không giấu được niềm vui rạng rỡ: “Lần đầu tiên em được đi máy bay. Cơ quan tổ chức nghỉ dưỡng trong tỉnh năm nào cũng có, nhưng năm nay, luân phiên đi xa hơn. Đoàn em có 44 người. Lần đầu tiên, chúng em đi máy bay, được du lịch đúng nghĩa, ngắm biển, núi non, sông Tranh, dinh Cậu, vườn thú hoang dã, được thưởng thức hải sản Phú Quốc.

Nói xong, chị Lệ cười mãn nguyện và lướt điện thoại cho tôi xem nào là ảnh biển Phú Quốc, nào là ảnh đội bóng đá nữ công ty mà chị là tiền vệ vừa giành được giải Nhì, ảnh biểu diễn văn nghệ tháng công nhân vừa rồi: “Hóa trang, ảnh ảo, như diễn viên, chính bọn em cũng nỏ (chẳng) nhận ra mình là công nhân gom rác thải nữa!”.

Lệ hồ hởi: "Bãi biển Phú Quốc đẹp tuyệt vời. Nước trong vắt. Chúng em thả mình trong làn nước trong xanh với bikini, chứ không phải bộ đồ bảo hộ lao động nhé và được vỗ về an ủi… Anh đã đi Phú Quốc chưa?”. Tiếng cười giòn tan hạnh phúc của Lệ cứ ngân mãi...

LÊ VĂN VỴ
TIN LIÊN QUAN

Ngày Tết đặc biệt của những mảnh đời từng lầm lỡ

Minh Nguyễn |

Trong khi mọi người vui Tết bên gia đình thì các cán bộ tại cơ sở cai nghiện ma túy vẫn phải thường trực ở đơn vị để giải quyết công việc và lo Tết cho học viên.

Người bố, mẹ đặc biệt của những mảnh đời bất hạnh

Minh Nguyễn |

Nhiều em nhỏ có cảnh đời bất hạnh được những người bố, người mẹ tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Hòa Bình (Trung tâm Bảo trợ xã hội Hòa Bình) che chở, nuôi dưỡng bằng tình yêu thương vô bờ.

Ban Nữ công Công đoàn Hàng không mang Tết đến với những mảnh đời khó khăn

Minh Hương |

Đối với người Việt, Tết Nguyên đán luôn mang phong vị đặc biệt, thế nhưng, không phải ai cũng may mắn được tận hưởng ngày Tết, vẫn còn đó nhiều mảnh đời kém may mắn, là những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, phải đón Tết trên giường bệnh và trong bệnh viện, niềm vui ấy lại là điều rất xa vời.

So sánh hình ảnh TP Yên Bái hiện tại và thời điểm bão lũ lịch sử

Trần Bùi - Vũ Bảo |

Trận đại hồng thủy đã đi qua TP Yên Bái gần 10 ngày, hiện nước đã rút, đường đã khô, cuộc sống người dân đã dần ổn định trở lại.

Giá vàng hôm nay 20.9: Vàng nhẫn tăng sốc

Khương Duy |

Giá vàng hôm nay 20.9 tăng mạnh ở thị trường trong nước và thế giới. Giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 sáng nay sắp bằng giá vàng miếng SJC.

Giám đốc công ty làm máy nhắn tin cho Hezbollah bị điều tra

Anh Vũ |

Công ty Gold Apollo, có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc), đang bị điều tra liên quan đến vụ nổ hàng nghìn máy nhắn tin của lực lượng Hezbollah.

Ngắm mùa lúa chín ở Hà Giang vẹn nguyên sau bão lũ

Đan Thanh |

Không chịu ảnh hưởng nhiều sau bão số 3, ruộng bậc thang ở các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì đang vào mùa lúa chín đẹp, thu hút khách trở lại Hà Giang.

Điện Biên xuất hiện thêm cung trượt đe dọa nhiều hộ dân

NHÓM PV |

Nhiều vết nứt tạo thành cung trượt lớn đang đe dọa nguy cơ mất an toàn đối với nhiều hộ dân tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.