Xăng, thực phẩm tăng giá, công nhân thêm nặng gánh chi tiêu

Quế Chi - Minh Hương |

Lương vốn “ráo mồ hôi là hết tiền”, khi giá xăng dầu cùng các mặt hàng nhu yếu phẩm như rau, củ quả tăng chóng mặt thì áp lực chi tiêu càng đè nặng lên vai công nhân.

Không dám đổ xăng đầy bình

Làm công nhân đến năm thứ 3, chị Trần Thị Trang - 24 tuổi, công nhân ở Khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) mới tích góp đủ tiền mua lại chiếc xe Wave cũ. Tiền lương của chị ở mức 6,5 triệu đồng/tháng; trong đó 700.000 đồng là tiền thuê nhà. Thời gian này, giá xăng tăng mạnh, mỗi lần thấy kim xăng xuống đáy, chị Trang lại sốt ruột.

Chị Trang thường chi 50.000 đồng cho 1 lần đổ xăng. Ngày xăng chưa tăng giá, 50.000 đồng là đầy bình xăng, nhưng nay xăng giá cao, cùng số tiền đó nhưng chỉ số xăng mới chạm đến vạch gần cuối.

“Đi làm 5 ngày tôi sẽ đổ 1 bình xăng. Tôi không dám đổ đầy bình và phải tiết kiệm từng chút. Chẳng hạn, thay vì dùng xe máy đi chợ như mọi khi, tôi sẽ đi bộ, đi chơi cũng hạn chế” - chị Trang cho biết.

Tính đến ngày 28.2, giá xăng trong nước đã có lần tăng thứ 5 liên tiếp và là đợt tăng thứ 4 trong năm 2022. Đáng chú ý, giá xăng RON 95 trong nước hiện đã vượt đỉnh lịch sử và xác lập kỷ lục mới. Giá xăng E5 RON 92 trong nước tăng 961 đồng/lít lên 25.531 đồng/lít, còn xăng RON 95 tăng 965 đồng/lít lên 26.285 đồng/lít.

Không chỉ sốt ruột vì giá xăng cao, công nhân có mức thu nhập eo hẹp còn khổ sở vì giá rau xanh tăng chóng mặt. Chị Trang lấy ví dụ, hành, mùi, thì là giá 170.000 đồng/kg; rau ngót, mồng tơi giá tăng gấp 3 lần, mức 15.000 đồng/bó. Trước đây, chị Trang chỉ tốn khoảng 15.000 đồng tiền rau, củ cho bữa ăn cả ngày, nay với số tiền đó chị chỉ mua được 1 bó rau. Để tiết kiệm, cô gái trẻ chia 1 bó rau làm 2 bữa.

Chi tiêu đội lên gấp đôi

Anh Lê Xuân Hải (công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, thuê trọ tại khu nhà ở công nhân, Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) mới trở thành F0. Trước khi chưa mắc COVID-19, anh Hải trực tiếp đi mua rau, thì thấy giá rau tăng rất nhiều so với trước. Giá rau cải trước đây khoảng 12.000-13.000 đồng/kg, nay hơn 20.000 đồng/kg; sả hơn 30.000 đồng/kg… Các loại rau khác gần như đều tăng gấp đôi.

Anh Hải cho rằng, những loại rau được tư vấn có tác dụng bổ sung nhiều chất cùng các loại cây, củ dùng để xông tăng sức đề kháng, có tác dụng trong phòng chống dịch COVID-19 có mức tăng giá cao nhất.

“Dù giá tăng nhưng do trong nhà có người F0 nên tôi vẫn phải mua nhiều rau, các loại cây, củ dùng để xông. Trước đây mỗi ngày gia đình tôi chi 10.000-12.000 đồng tiền rau, giờ con số này tăng gấp đôi. Mấy ngày gần đây, mỗi lần đi chợ phải chi hơn 100.000 đồng tiền rau để ăn trong vài ngày” - anh Hải nói.

Ngoài ra, một chi phí “nặng gánh” khác mà những gia đình công nhân như anh Hải phải chịu, đó là tiền thuốc để hỗ trợ điều trị COVID-19. Nhà anh Hải, tiền thuốc đã lên tới 4 triệu đồng.

Không chỉ gồng gánh tiền thuốc, rau củ do F0 mà giá xăng tăng cũng khiến anh Hải lo lắng. “Tôi lo lắng việc giá xăng tăng sẽ có tác động dây chuyền làm tăng giá nhiều mặt hàng, dịch vụ khác, cuộc sống sẽ ngày càng khó khăn hơn đối với những gia đình công nhân” - anh Hải chia sẻ.

Giá rau, giá xăng… tăng khiến chi tiêu của gia đình bị đội lên. Trong tháng 2, thu nhập của vợ chồng anh Hải bị ảnh hưởng nặng nề do dịch. Trước khi trở thành F0, vợ anh Hải là F1 nên công ty yêu cầu nghỉ ở nhà 1 tuần. Đi làm được 1 ngày, chị được xác định là F0, nên đến thời điểm hiện tại, chị đã nghỉ thêm 10 ngày nữa.

Còn anh Hải cũng là F1, rồi F0, nên hầu như không đến công ty làm việc trong tháng 2. “Tháng 2 vợ chồng tôi không có thu nhập, chỉ trông chờ vào công việc phụ bán hàng online của tôi. Chúng tôi đã phải sử dụng đến tiền tiết kiệm. Tổng số tiền chi tiêu cho cả gia đình trong tháng 2 phải lên tới hơn 10 triệu đồng, trong khi hầu như không có thu nhập” - anh Hải cho hay.

Quế Chi - Minh Hương
TIN LIÊN QUAN

Tăng giá xăng dầu phải sát thị trường, sử dụng quỹ bình ổn hỗ trợ người dân

Vương Trần |

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ việc tăng giá xăng dầu phải sát với thị trường, tiết kiệm tối đa có thể, theo nguyên tắc sử dụng Quỹ bình ổn giá, tiết kiệm chi phí trong kinh doanh xăng dầu để hỗ trợ người dân, hỗ trợ nền kinh tế.

Test nhanh COVID-19 vẫn cháy hàng tăng giá, chấm dứt loạn giá như thế nào?

THẢO ANH - PHƯƠNG ANH |

Mới đây Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội yêu cầu giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa, định giá mua, giá bán bất hợp lý các mặt hàng là vật tư, trang thiết bị y tế. Các nhà thuốc hẳn sẽ e dè trước thông tin này nhưng chợ mạng thì vẫn công khai tấp nập tăng giá test nhanh. Làm thế nào để chấm dứt tình trạng loạn giá, khan hàng test nhanh là điều mà người dân đang vô cùng quan tâm. 

Rét đậm, rét hại kéo dài, rau củ, thực phẩm đua nhau tăng giá

Vũ Long |

Rét đậm, rét hại kéo dài, rau màu, vật nuôi sinh trưởng kém, chi phí sản xuất tăng khiến các loại thực phẩm, rau xanh tăng giá vùn vụt.

Sắp triển khai một tuyến đường sắt qua Bình Dương

Xuyên Đông |

Ngày 20.9, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sẽ triển khai một tuyến đường sắt qua Bình Dương trong năm 2025.

Nguyện vọng của trái chủ trong vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2

NHÓM PV |

TPHCM - Nhiều bị hại liên quan đến sai phạm xảy ra ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn đã có mặt tại TAND TPHCM để theo dõi phiên xét xử.

Mưa ngập, hơn 11.000 học sinh vùng trũng ở Hà Tĩnh nghỉ học

TRẦN TUẤN |

Sáng 20.9, tại huyện Hương Khê và Hương Sơn (Hà Tĩnh) xảy ra mưa lớn, ngập cục bộ nên hơn 11.000 học sinh ở khu vực trũng thấp được cho nghỉ học.

Giá vàng hôm nay 20.9: Vàng nhẫn tăng sốc

Khương Duy |

Giá vàng hôm nay 20.9 tăng mạnh ở thị trường trong nước và thế giới. Giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 sáng nay sắp bằng giá vàng miếng SJC.

Giám đốc công ty làm máy nhắn tin cho Hezbollah bị điều tra

Anh Vũ |

Công ty Gold Apollo, có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc), đang bị điều tra liên quan đến vụ nổ hàng nghìn máy nhắn tin của lực lượng Hezbollah.