Chặn “sim rác” vẫn bị làm phiền
Tình trạng “sim rác”, “cuộc điện thoại rác” diễn ra từ nhiều năm nay. Gần đây nổi lên là những cuộc gọi môi giới bất động sản, chứng khoán. Thậm chí, không ít các tin nhắn, cuộc gọi từ những “sim lạ” có nội dung lừa đảo.
Báo Lao Động từng phản ánh trường hợp bác sĩ Trần V (ở Lục Nam, Bắc Giang) nhận được tin nhắn từ số điện thoại 05289xxxxx với nội dung: “[T.B] BHXH :Ong(Ba) da du d!eu k!en tu quy ho tro BHTN. Bam vao www.movnb.icu de lay. QUA HAN SE KH0NG_DUOC CHAP NHAN!”.
Do thời gian đó cũng đang làm thủ tục để nhận tiền hỗ trợ bảo hiểm cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên vị bác sĩ không nghi ngờ gì và bấm theo link trên thì được dẫn đến trang mạng có giao diện giống ngân hàng mà anh đang sử dụng.
Sau đó, anh Vương điền thông tin mật khẩu, mã OTP tài khoản ngân hàng theo hướng dẫn thì bị mất hết sạch toàn bộ số tiền 8 triệu đồng trong tài khoản.
Sau khi liên hệ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định, các tin nhắn, cuộc gọi trên là của đối tượng lừa đảo, lợi dụng thông tin về chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, nhằm mục đích xuất, hoặc lấy thông tin cá nhân, chuyển dụng tiền từ tài khoản cá nhân.
Trường hợp bị lừa qua các tin nhắn có mã độc, đường link độc như bác sĩ Vương không phải là chuyện hiếm ở Việt Nam thời gian gần đây. Các đường link giả mạo ngân hàng, giả mạo ví điện tử hay các tổ chức khác để lấy thông tin người dùng, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng vẫn liên tục được cảnh báo thời gian vừa qua.
Theo đại diện công ty an ninh mạng toàn cầu Kaspersky khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 21 trên thế giới về các vụ tấn công lừa đảo qua mạng với 673.743 cuộc tấn công được ghi nhận năm 2020.
Theo dự báo mới đây của Kaspersky, thiết bị di động sẽ tiếp tục là mục tiêu của các cuộc tấn công tinh vi, lừa đảo trên diện rộng vào năm 2022.
Điều đáng nói, ngay cả khi người dùng đăng ký thành công vào danh sách DoNotCall (người dùng di động đã đăng ký vào danh sách này, số thuê bao của họ vĩnh viễn thuộc về danh sách không quảng cáo nhằm tránh tin nhắn rác và cuộc gọi rác) nhưng nhiều thuê bao vẫn bị "dội bom" tin nhắn rác và cuộc gọi rác.
Tuy vậy, theo ghi nhận của Lao Động, số thuê bao có nằm trong danh sách DoNotCall cũng như các số thuê bao không thuộc danh sách này, cũng đều bị “dội bom” tin nhắn rác và cuộc gọi rác (còn gọi là telesale). Theo ghi nhận, những cuộc dội bom này do chính các công ty địa ốc, sàn môi giới bất động sản, các công ty dịch vụ bảo hiểm, cho vay tài chính, bán khóa học tiếng Anh, khóa nghỉ dưỡng… trực tiếp thực hiện. Ít nghe thấy những doanh nghiệp này có đăng ký kết nối tới hệ thống quản lý danh sách không quảng cáo.
Ngoài ra, còn một lực lượng rất hùng hậu là những cá nhân và nhóm chuyên môi giới, bán hàng thuộc các lĩnh vực trên, hành nghề bằng cách chuyên phát tán tin nhắn rác và cuộc gọi rác.
Đáng chú ý, không ít nhà mạng đã lỏng lẻo trong việc quản lý sim. Điển hình là cuối tháng 4, một nhà mạng đã cùng với Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Đầu tư Khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng vừa tổ chức chương trình tặng 150 Sim data 4G trong gói 50.000 sim cho du khách quốc tế với thông điệp “Enjoy Danang”. Nhiều ý kiến lo lắng, việc kích hoạt sẵn, phát hành miễn phí 50.000 sim data 4G của đơn vị trên, nếu không có phương án quản lý tốt, rất dễ dẫn đến… hiện tượng sim rác, sim không có thông tin người dùng… dẫn đến vi phạm Nghị định 49/2017 của Chính phủ ngày 24.4.2017- về thắt chặt quản lý thuê bao di động trả trước.
Không để sim rác gây hệ luỵ
Trước những vấn đề liên quan đến “sim rác”, “cuộc gọi rác”, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ra quyết định kiểm tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao, xử lý sim có thông tin thuê bao không đúng quy định, sim sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật của các nhà mạng.
Theo đó, đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn thông, Bộ Công an sẽ kiểm tra các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Gtel, MobiCast, Đông Dương Telecom. Đợt thanh tra được triển khai trong tháng 4.2022 với thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra.
Nội dung thanh tra bao gồm: Kiểm tra sim có thông tin thuê bao không đúng quy định; kiểm tra sim có thông tin thuê bao đã thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung tại nhiều đại lý, địa bàn khác nhau và kiểm tra đối với các sim thuê bao thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, thuê bao sử dụng quảng cáo, phát tán tin nhắn rác.
Tại Hội nghị công bố quyết định kiểm tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao, xử lý sim có thông tin thuê bao không đúng quy định, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đặt vấn đề: Tình trạng lợi dụng sơ hở của thông tin thuê bao, lừa đảo vi phạm pháp luật vẫn là vấn đề nhức nhối gây nên nhiều hậu quả khôn lường ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân, gia đình và xã hội.
"Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nhà mạng phải xóa toàn bộ sim rác, phải dồn sức toàn ngành để thực hiện nhiệm vụ này, không thể để sim rác gây hệ lụy cho xã hội. Đoàn kiểm tra sẽ kiên quyết xử lý những nhà mạng có sai phạm trong quản lý thuê bao trả trước. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không cho những nhà mạng có sim đăng ký không chính xác được cung cấp các dịch vụ mới" - Thứ trưởng Phạm Đức Long nói.
Ông Bùi Hoàng Phương - Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết, mục đích của đợt thanh tra là kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý thuê bao di động để hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật, phát huy những mặt mạnh, ưu điểm. Qua đó, chấn chỉnh, uốn nắn, xử lý những sai sót, khuyết điểm của doanh nghiệp viễn thông, từ đó đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
Dư luận đang rất trông chờ kết quả thanh tra của Bộ Thông tin và Truyền thông để có những giải pháp cứng rắn đối với sim rác, cuộc gọi rác.