Cần Thơ đã có hơn 10.000 doanh nghiệp dừng hoạt động, 93% lao động mất việc

Minh Ánh |

Dịch bệnh kéo dài, khiến các doanh nghiệp tại Cần Thơ "kiệt sức" do gặp khó khăn trong việc thực hiện các mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến",... Sau 2 tháng thành phố thực hiện giãn cách xã hội, nhiều giải pháp "gỡ khó" cho doanh nghiệp đã được đề xuất, thực hiện.

Doanh nghiệp đã kiệt sức

Kể từ khi TP. Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ ở Cần Thơ thực hiện phương án "3 tại chỗ", vừa cách ly vừa sản xuất. Tuy nhiên, đến nay nhiều doanh nghiệp đã kiệt sức.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, đã có hơn 10.000 doanh nghiệp chính thức ở Cần Thơ dừng hoạt động, với hơn 93% lao động mất việc làm. Nguyên nhân là dịch bệnh COVID-19 kéo dài, không đảm bảo an toàn cho sản xuất. Bên cạnh đó, chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa và thị trường tiêu thụ của các doanh nghiệp không có điều kiện lưu thông liền mạch.

Các doanh nghiệp đang thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, mô hình “vùng đệm” gặp khó vì phát sinh chi phí. Có doanh nghiệp không có sẵn cơ sở vật chất để đáp ứng ăn nghỉ tại chỗ cho người lao động...

Theo ông Nguyễn Thái Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội May Việt Nam, phụ trách khu vực ĐBSCL, khó khăn lớn nhất mà các nhà máy may tại Cần Thơ đang vướng phải đó là tình trạng hàng hoá đang sản xuất theo dây chuyền phải ngưng lại. Nguyên liệu đặt mua từ nhiều tháng trước, nay về chỉ để trong kho, có nhiều sản phẩm đang cắt may dang dở,... "Hơn 2 tháng tạm ngưng hoạt động, nhiều nguyên liệu hư hỏng, thất lạc, điều đó đưa đến thiệt hại rất lớn cho các nhà máy", ông Hùng nhấn mạnh.

Theo ông Hùng, vấn đề bây giờ là làm sao gỡ khó cho doanh nghiệp. Làm sao để giải quyết các đơn khách hàng đã đặt, và tìm cách cho doanh nghiệp hoạt động trở lại và bù lại số vốn vay ngân hàng.

Đề xuất của doanh nghiệp

Bà Huỳnh Thiên Trang, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, VCCI Cần Thơ đã tiến hành khảo sát trực tiếp các doanh nghiệp, đại diện các nhóm ngành, đồng thời tổ chức họp mặt trực tuyến với các doanh nghiệp để nắm bắt và tổng hợp ý kiến, đề xuất giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Cụ thể, các doanh nghiệp đề nghị TP quan tâm, tăng cường nguồn vaccine cho người lao động tại các công ty, doanh nghiệp; đề nghị có chính sách hỗ trợ, tăng khoản cho vay đối với các doanh nghiệp thu mua nông sản của nông dân tới vụ; có quy định hướng dẫn liên ngành về phương thức vận chuyển hàng hoá; đồng thời, đề nghị thành phố có giải pháp thay thế “3 tại chỗ”, có lộ trình nghiên cứu sống chung với dịch bệnh, đẩy nhanh thủ tục hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động,...

Đại diện VCCI Cần Thơ cho biết, trong thời gian tới, kiến nghị với UBND TP Cần Thơ mở cửa nhóm ngành ưu tiên và trao quyền kiểm soát cho doanh nghiệp, cấp giấy phép đi lại giữa nơi cư trú và nơi làm việc.

"Mong muốn của các doanh nghiệp là Cần Thơ mau chóng nới lỏng giãn cách, trước hết từ nội ô thành phố, sau đó mở rộng kết nối với các tỉnh trong vùng và TP.HCM. Như vậy, Cần Thơ sẽ có thể giải quyết được bài toán kinh tế và kinh doanh của doanh nghiệp" - bà Trang cho biết.

Nỗ lực của địa phương

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, UBND TP cũng gặp gỡ lắng nghe và chia sẻ cùng với các doanh nghiệp.

UBND TP lập tổ tư vấn chống dịch, phát triển kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp do VCCI Cần Thơ làm Phó tổ. Trong 2 tuần qua, tổ đã họp với 27 doanh nghiệp trên địa bàn, thuộc nhiều loại hình như thủy sản, chế biến, may mặc... để lắng nghe những khó khăn, nhằm tìm ra phương án hỗ trợ doanh nghiệp.

"Hôm 10.9, Chủ tịch UBND TP cùng tôi đã họp trực tuyến với 235 doanh nghiệp, có sự tham gia của các sở, ngành lắng nghe những khó khăn, những góp ý, giải pháp do doanh nghiệp đề đạt để xem xét, tìm giải pháp phục hồi", ông Hồng cho biết.

Ông Hồng cũng cho biết, có những doanh nghiệp gặp khó khăn khi triển khai mô hình "3 tại chỗ", không có chỗ ở cho nhân viên, công nhân, thì quận, huyện, sở, ngành cũng tìm những trường học, nhà trọ, khách sạn... để giúp doanh nghiệp. 

Chia sẻ về những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sau giãn cách, ông Hồng cho biết, TP đã gửi những văn bản đến Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cần Thơ... để thực hiện một số chính sách hỗ trợ vay ngân hàng hay đề nghị Cục thuế nghiên cứu phương án miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp... "TP luôn yêu cầu các đơn vị tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp", ông Hồng khẳng định.

Đối với mong muốn được ưu tiên cung cấp vaccine COVID-19 của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định, TP luôn ủng hộ việc tiêm vaccine cho công nhân. Tuy nhiên, ông cho biết lượng vaccine có giới hạn, vì vậy TP cần phân bổ hợp lý không chỉ cho riêng công nhân mà còn cho các khu công nghiệp, shipper, tài xế, những người phải tiếp xúc nhiều...

Minh Ánh
TIN LIÊN QUAN

Doanh nghiệp LPG khốn đốn vì quy định “đẻ thêm” của Sở Công Thương Cần Thơ

Duy Thiên |

Doanh nghiệp đang gặp khó khi phải vận tải qua thành phố Cần Thơ. Đặc biệt, 3 ngày qua, các xe tải, xe bồn bị dồn ứ, số lượng xe bồn chuyên dụng chở LPG hoàn toàn không được cấp phép vận chuyển vào Cần Thơ, nếu không chấp nhận đổi lái xe người địa phương hoặc sang mạn; dẫn tới đoàn gần 20 xe đã bị chặn lại nhiều ngày. 

Xe bồn chở gas cũng phải chờ sang hàng ở Cần Thơ, bất chấp mất an toàn

Duy Thiên |

Trong khi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải gay gắt yêu cầu Cần Thơ phải có giải pháp hợp lý để vận tải hàng hóa qua địa bàn được thông suốt, thì nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục kêu trời vì những đòi hỏi khắt khe đến mức phi lý của địa phương này. Nhiều xe chở gas cũng phải dừng đỗ chờ đợi sang hàng do Cần Thơ đưa ra không những gây ách tắc, lãng phí mà còn tạo ra nguy cơ mất an toàn cực cao cả về phòng chống dịch lẫn nguy cơ cháy nổ.

Nông dân Cần Thơ tự tìm cách xử lý nông sản sắp "quá lứa, lỡ thì"

Minh Ánh - Quang Minh |

Vấn đề giải cứu nông sản vẫn đang là bài toán hóc búa đối với các ngành chức năng tại Cần Thơ. Giữa lúc bài toán ấy vẫn chưa tìm được lời giải thì chính người nông dân đã tự tìm cách để xoay sở, thích ứng với dịch COVID-19, đó chính là thu hoạch nông sản, quyên góp cho các khu phong toả, cách ly.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào dự lễ phát động ủng hộ đồng bào sau bão số 3

Nhóm PV |

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại TPHCM vào chiều 12.9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith cùng Phu nhân Naly Sisoulith đã dự lễ phát động ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bão số 3.

Yên Bái lại xảy ra sạt lở đất khiến 9 người thương vong

Bảo Nguyên |

Trong sáng 12.9, tỉnh Yên Bái xảy ra 2 vụ sạt lở đất làm 5 người chết và 4 người bị thương.

4 người từ chối trả lại tiền tỉ vụ cựu sếp Eximbank lừa đảo

VIệt Dũng |

Ngoài làm rõ hành vi lừa đảo của Vũ Thị Thu Nhung - cựu Phó Giám đốc Eximbank Chi nhánh Ba Đình, công an xác định nhiều cá nhân nhận tiền tỉ chênh lệch.

Cô đồng bổ cau ở Hải Dương lĩnh 7 năm 3 tháng tù

Hoàng Khôi |

Ngày 12.9, Tòa án nhân dân thị xã Kinh Môn (Hải Dương) đã tuyên phạt bị cáo Trương Thị Hương 7 năm 3 tháng tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sai phạm của cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng

Việt Dũng |

Ông Hoàng Quốc Vượng - cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương bị đề nghị truy tố với cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây thất thoát 937 tỉ đồng.