Theo cuốn "Lễ tục trong gia đình người Việt", Thần Tài là vị thần mang tài lộc đến cho gia đình, nên người ta tin thờ. Mỗi khi làm việc gì, gia chủ thường cầu khấn thần Tài.
Nguồn gốc của việc thờ cúng Thần Tài xuất phát từ một điển tích. Xưa kia có người lái buôn tên là Âu Minh, khi đi qua hồ Thanh Thảo, được Thủy thần cho một nô tỳ tên là Như Nguyện. Âu Minh đưa Như Nguyện về nuôi, trong nhà làm ăn phát đạt, chỉ vài năm đã giàu to.
Về sau, nhân một ngày Tết, Âu Minh đánh Như Nguyện. Sợ hãi, Như Nguyện chui vào đống rác rồi biến mất. Từ đó. Âu Minh sa sút dần, chẳng mấy lúc nghèo kiết.
Người ta bảo Như Nguyện là Thần Tài và lập bàn thờ để thờ. Vì theo điển tích trên mà bàn thờ Thần Tài không được đặt ở trên cao, ở một nơi quang đãng trong nhà, mà thường được thiết lập ở những nơi xó xỉnh - góc nhà hoặc hàng hiên, và bàn thờ cũng không cần to tát, chỉ là một cái khám nhỏ sơn son thếp vàng, có khi chỉ là một thùng gỗ dán giấy đỏ.
Bên trong khám thờ dán bài vị của Thần Tài, cũng viết trên giấy đỏ. Chữ viết thường bằng kim nhũ: Ngũ phương ngũ thổ Long thần; Tiền hậu địa chủ Tài thần.
Hai bên bài vị có đôi câu đối: Thổ năng sinh bạch ngọc; Địa khả xuất hoàng kim (Đất hay sinh ngọc trắng, Đất khá có vàng ròng). Đôi câu đối này có thế thay đối, nhưng bao giờ cũng có một đôi. Trước bài vị là một bát hương kê trên một trăm vàng thoi. Hai bên là hai cây đèn nhỏ đủ thắp (để không bốc cháy lên khám).
Gia chủ còn thu xếp để có chỗ đặt mấy chén nước, rượu. Cũng có một mâm bồng để bày hoa quả, phẩm vật khi cúng lễ. Có nhà còn khắc trên mặt khám thờ mấy chữ đại tự, và ở hai bên có đôi câu đối đại ý xưng tụng sự giúp đỡ của Thần Tài và sự cầu mong của gia chủ.
Dân ta chỉ cúng Táo Quân trong những ngày sóc vọng và giỗ Tết, nhưng lại cúng Thần Tài quanh năm.
Trong những ngày sóc vọng, giỗ Tết, lễ cúng Thần Tài có khi cúng mặn, thậm chí là cả một mâm cỗ. Trong những ngày thường, lễ cúng rất đơn giản, chỉ có trầu nước, đôi khi thêm một đĩa trái cây.
Mỗi buổi chiều, bàn thờ thần Tài được thắp hương lên, có khi gia chủ khấn vái, có khi chỉ khấu đầu trước bàn thờ. Chỉ trong ngày sóc vọng, giỗ Tết, sự khấn vái mới cần thiết. Văn khấn thần Tài cũng như văn khấn Thổ công, chỉ thay đổi ở chỗ cung thỉnh “Tài thần vị tiền…”.
Thông thường, ngày vía Thần Tài được chọn vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn chọn ngày mùng 10 Âm lịch hằng tháng để cúng Thần Tài để cầu mong tài lộc trong tháng đó.
Để tưởng nhớ ngài, mọi người chọn ngày này là ngày vía Thần Tài để thờ cúng vật phẩm và mua vàng để cầu tài lộc may mắn, sung túc cho cả năm, đặc biệt là ở những gia đình kinh doanh, buôn bán.
Việc mua vàng trong ngày này đã gần như trở thành phong tục không thể thiếu và nhiều người cho rằng, khi mùa vàng và cất trữ vàng vào két sắt, hoặc để trong ví đem theo người sẽ mang đến điều may mắn, tài lộc sung túc cả năm tới gia chủ.