Trước khi tiến tới hôn nhân, chồng chị Châm cho biết anh nợ ngân hàng 50 triệu đồng, chị nghĩ mình có thể san sẻ cùng chồng.
Thế nhưng khi đăng kí kết hôn xong chưa kịp cưới thì người chồng thông báo số nợ lên tới 200 triệu đồng. Khi chị Châm thắc mắc thì anh ta dùng những câu nặng lời để đối đáp. Chị đem khúc mắc này hỏi mẹ chồng tương lai thì nhận ra sự không thật thà trong câu chuyện: “Khi anh không có nhà thì bà bảo do bài bạc, nhưng khi anh xuất hiện thì lại nói do làm ăn thua lỗ”.
Gạt bỏ mọi hoài nghi, chị Châm cùng chồng làm đám cưới. Nhưng ngay khi đám cưới vừa xong thì bất ngờ hòm tiền mừng cưới “không cánh mà bay” do bố chồng tự ý mang về nhà.
Sau đó, gia đình chồng và người thân họp bàn về chuyện nợ nần. Số tiền khi ấy được công khai là 600 triệu đồng vào năm 2008. Khi chị Châm lên tiếng yêu cầu được biết rõ nguồn gốc tiền nợ, nếu nợ của riêng chồng thì hai vợ chồng sẽ bàn bạc, còn nợ làm ăn chung của cả họ thì mọi người phải cùng chịu trách nhiệm.
Nghe đến đây, bố chồng chị thản nhiên nói “coi như tao chưa có con dâu” dù mới cưới được 2 ngày.
Câu chuyện tiền bạc vẫn níu kéo cho tới khi chị Châm hạ sinh con đầu lòng. Chị từng đưa cho chồng 10 triệu đồng để chi tiêu trong tháng nhưng anh không đưa mẹ chồng tiền đi chợ. Chỉ vì câu chuyện ấy mà anh chồng thẳng tay bạo hành chị Châm khi chị chỉ vừa mới sinh con được 10 ngày: “Anh ta đứng trên giường đánh tôi, dậm chân, đạp người tôi không tha một chỗ nào”. Sau lần ấy chị Châm đem đơn ly hôn xuống huyện nhưng không được giải quyết.
Chưa yên ổn được bao lâu, khi con chỉ mới được 6 tháng tuổi thì chị Châm phát hiện chồng có nhân tình bên ngoài.
Từ sau sự việc ấy, chị lấy cớ đi làm ngoài Đà Nẵng. Hai mẹ con sinh sống ngoài ấy nhưng anh chồng lại chẳng đoái hoài hay hỏi thăm đến con. Khi sinh nhật con gái tròn 1 tuổi thì chồng chị Châm mới xuất hiện. Thái độ của anh ta hoàn toàn khác hẳn, bày tỏ hối hận, gửi lời xin lỗi và làm lành với chị: “Anh không hỏi một đồng nào nữa, đất cát ở nhà để cho bố mẹ tự lo tự trả. Anh ra đây là vì vợ vì con”.
Lập nghiệp cùng vợ mới được 1 tháng thì người nhà điện thoại lên tìm. Hóa ra anh chồng rời quê tìm đến chị Châm là vì ở nhà có chuyện. Thực tế, người chồng và họ hàng cùng chung nhau mua bán đất đai nhưng anh ta bất ngờ bỏ đi khiến mọi người khốn đốn vì tiền nợ ngân hàng.
Sau đó, chị phát hiện mình có thai 7 tuần: “Một đứa tôi đã gồng không nổi thì giờ có đứa thứ hai không biết sống kiểu gì”. Chị khăn gói về quê thuyết phục chồng ra Đà Nẵng để cả hai cùng vun vén nuôi con nhưng anh ta không đồng ý.
Vì dùng dằng qua lại, hai vợ chồng tiếp tục hàn gắn. Trong khi đó ở nhà, chị và hai con bị một đoàn người xăm trổ đến đòi nợ.
Tiếp nối những sự việc để chị Châm quyết định “dứt áo ra đi” là chuỗi các hành động cụ thể như anh chồng về nhà “ăn cắp” tiền của vợ khiến chị mất niềm tin. Chưa kể, cô nhân tình sau này cũng là vợ mới của chồng chị Châm còn gọi điện đến trách chị là người phụ nữ tệ bạc.
Đến năm 2017, chị Châm buộc phải ủy quyền cho luật sư làm thủ tục ly hôn.
Lắng nghe toàn bộ câu chuyện, tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A đánh giá có những người vốn đã mất đi chỗ dựa vào những thời khắc quan trọng của cuộc đời như chị Châm. Tất cả đã tạo nên một nỗi sợ trong tiềm thức để khi có một ai đó gắn bó cả đời thì chị Châm luôn xem người này không thể mất đi.