Chia thời gian vui Tết cả hai bên gia đình
Ngày xưa, ông bà ta thường quan niệm con gái khi gả đi thì hoàn toàn thuộc về phía bên chồng, phải toàn tâm, toàn ý phục vụ, Tết nhất cũng khó lòng về thăm nhà mẹ đẻ. Nhưng Tết lại là dịp sum vầy, yêu thương, nên các bậc cha mẹ có con gái lấy chồng xa thường vô cùng mong mỏi con được về nhà ăn Tết, đó cũng là ước nguyện của rất nhiều người làm dâu xứ lạ.
Một bên là bổn phận, trách nhiệm ràng buộc, một bên là mong nhớ máu mủ, tình thân, nên Tết đối với nhiều phụ nữ lấy chồng xa lại rất nặng nề, buồn tủi. Và câu hỏi “năm nay ăn Tết bên nào?” vẫn luôn là vấn đề hết sức đau đầu.
Chị Phạm Thị Hạnh (32 tuổi, quê ở Xuân Trường, Nam Định) lấy chồng quê ở Hà Tĩnh, cả hai cùng làm việc và sinh sống ở Hà Nội. Tuy nhiên, từ ngày theo chồng chưa năm nào chị Hạnh được đón giao thừa ở gia đình bố mẹ đẻ. Chia sẻ với PV, chị Hạnh nói, lấy chồng được 6 năm và đã có hai đứa con. Do lập nghiệp xa quê nên hàng năm dịp Tết là cơ hội để cả nhà quây quần bên nhau. Mọi năm, chị Hạnh thường đưa con về quê trước còn chồng nghỉ muộn nên về sau. “Gia đình tôi ở nội ăn tết đến mồng 2 mới về ngoại rồi ba ngày sau trở lại thành phố làm việc”, chị Hạnh nói.
Cả 6 năm nay, mong một lần ngày Tết được đón giao thừa ở nhà ngoại nhưng chị Hạnh không dám nói với chồng mình. “Năm nay, tôi đã đề xuất hai phương án. Trong đó, một phương án là cả nhà cùng về ngoại ăn Tết. Phương án còn lại là chồng cùng đứa đầu về ăn Tết nhà nội, còn tôi và đứa út ăn Tết ở nhà ngoại. Đề xuất này đã được chồng tôi đồng ý và ủng hộ”, chị Hạnh tâm sự.
Đừng để phụ nữ chịu thiệt
Hoàn cảnh nhà chồng cũng ít người, nên hơn 10 năm nay sau khi về chung sống với nhau, chị Nguyễn Thị Lương (ở Lào Cai), luôn đón giao thừa ở bên nhà nội ở Bắc Ninh. Theo chị Lương, mặc dù nhà chồng không khó tính nhưng khoảng cách địa lý làm chị chưa năm nào được ăn Tết nhà ngoại.
“10 năm nay, cứ đến đêm Giao thừa là tôi lại ngồi một mình trong góc nhà và khóc. Tôi nhớ đến những năm chưa chồng, nhớ hồi còn ở với bố mẹ. Ngày ấy cái Tết rất đơn giản nhưng đầm ấm và hạnh phúc quá. Còn bây giờ, tôi chỉ có thể tưởng tượng ra cảnh bố mẹ mình đón Tết ở nhà. Chỉ nghĩ đến thôi cũng cảm thấy tủi thân”, chị Lương tâm sự.
Chuyên gia tâm lý Lê Hương Giang nêu quan điểm: “Hôn nhân ngoài tình yêu còn là trách nhiệm, việc về nhà chồng, hay nhà vợ ăn Tết là trách nhiệm của cả hai bên chứ không riêng gì phụ nữ phải chịu thiệt thòi. Thế nên, dẫu hoàn cảnh thế nào, thì vợ và chồng cũng nên chia đều khoảng thời gian nghỉ Tết của mình để vui vầy bên cha mẹ người thân”.
Nhiều gia đình khác lại chọn cách một năm ăn Tết quê chồng, một năm ăn Tết quê vợ. Những gia đình gần nhau thì thống nhất chia đôi ngày nghỉ, một nửa bên ngoại, một nửa bên nội, hay ai về nhà nấy… Chuyên gia tâm lý Hương Giang cho biết thêm: “Dù có dùng cách nào đi chăng nữa, cũng là thỏa thuận của cả hai bên, để cả vợ và chồng đều hài lòng vừa ý. Và một khi đã thống nhất giải pháp, thì cùng nhau thực hiện. Đừng tùy hứng, hơn thua để xảy ra tranh cãi mà dịp Tết mỗi năm mới có một lần lại mất vui”.