5 giáo viên “ôm” 21 trường một lúc
Tương tự như một số địa phương khác, ở Hà Tĩnh, tình trạng thiếu giáo viên diễn ra tại nhiều trường, đặc biệt với môn Tin học và Ngoại ngữ. Có huyện miền núi xuất hiện tình trạng thiếu giáo viên môn Tin học, 5 thầy cô phải dạy 21 trường.
Trao đổi với Báo Lao Động về vấn đề này, ông Phan Quốc Thanh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Hương Khê, Hà Tĩnh cho biết, hiện nay, ở huyện Hương Khê có tổng cộng 21 trường tiểu học nhưng năm học 2023 - 2024 chỉ có 5 giáo viên môn Tin học.
Để đáp ứng theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trước ngày khai giảng, Phòng GDĐT huyện đã bố trí 3 cô và 2 thầy giáo môn Tin học giảng dạy ở 21 trường trên toàn huyện.
“Việc giáo viên phải dạy nhiều trường là do theo quy định của chương trình giáo dục mới, mỗi lớp sẽ dạy một tiết môn Tin học. Ví dụ, năm học 2022 - 2023 mỗi lớp 3 sẽ dạy 1 tiết, nhưng năm nay có thêm lớp 4 học chương trình mới nên số lượng tiết sẽ tăng thêm.
Thông thường, một giáo viên theo định mức dạy chỉ dạy 23 tiết/tuần, tuy nhiên, với chương trình hiện nay, mỗi giáo viên phải tăng thêm 5 tiết/tuần để kịp tiến độ học tập cho học sinh. Do đó, năm nay giáo viên Tin học không chỉ dạy ở một đơn vị trường học mà phải dạy thêm ở một số đơn vị khác để khắc phục và đảm bảo số lượng tiết học trong chương trình mới cho học sinh” – ông Thanh cho biết.
Liên quan đến việc thiếu giáo viên, ông Thanh cũng cho biết, đã đề nghị với UBND huyện Hương Khê xin thêm hợp đồng giáo viên đối với môn Tin học.
“Trong thời gian này, các giáo viên cũng vất vả vì phải dạy nhiều điểm trường, bình quân, mỗi giáo viên phải dạy từ 4-5 trường. Tôi cũng đã có văn bản yêu cầu các trường sắp xếp thời gian hợp lí để đội ngũ giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ. Đồng thời tham mưu với chủ tịch huyện và kế toán, hiệu trưởng các trường học nâng cao mức phụ cấp cho các giáo viên” – ông Thanh chia sẻ.
Không chỉ thiếu giáo viên Tin học, hiện nay, tại huyện Hương Khê còn thiếu giáo viên ở một số môn học khác: Toán, Hoá học và tiếng Anh.
“Khó khăn thiếu giáo viên là khó khăn của toàn tỉnh. Chúng tôi cũng đã làm tờ trình gửi UBND huyện Hương Khê đề nghị giải quyết chế độ làm việc thừa giờ cho giáo viên dạy môn Tin học và xin cho tuyển thêm một số giáo viên ở các bộ môn văn hoá khác” – ông Thanh nói.
Đau đầu giải bài toán thiếu giáo viên
Không riêng Hà Tĩnh, vấn đề thiếu giáo viên là khó khăn chung của nhiều tỉnh thành trước năm học mới.
Theo thống kê của sở GDĐT Nghệ An, hiện tỉnh này còn thiếu khoảng 7.800 biên chế, trong đó, nhiều nhất là bậc mầm non với hơn 6.000 người, tiếp đó là bậc tiểu học, THCS và THPT và đội ngũ nhân viên trường học.
Trao đổi với Lao Động, bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng Phòng GDĐT TP. Vinh (Nghệ An) xác nhận, hiện tượng một số giáo viên mầm non trên địa bàn xin nghỉ việc, chuyển công tác hoặc nghỉ hưu trước tuổi.
Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, toàn thành phố có hơn 30 giáo viên xin nghỉ việc ở cả ba cấp học, trong đó chủ yếu là giáo viên mầm non.
Tình trạng giáo viên nghỉ dạy cũng diễn ra tại Hà Tĩnh. Riêng tinh giản biên chế, Hà Tĩnh có trên 200 giáo viên đã xin nghỉ theo diện này.