Học ngoại ngữ để giao tiếp chứ không phải để lấy chứng chỉ
Ngày 8.12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức tọa đàm về "Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ - đặc biệt là tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân". Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh đề xuất “công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam” đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
Tại tọa đàm nhiều đại biểu đã “hiến kế” cho việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân; như việc phải chuẩn hóa giáo viên, ứng dụng công nghệ trong dạy và học ngoại ngữ, cải tiến chương trình học theo hướng dạy ngoại ngữ với các môn học khác để tạo hứng thú cho học sinh…
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao giải pháp mà đại biểu đưa ra.
Bộ trưởng cũng đưa ra một số nhiệm vụ, mục tiêu, những việc cần phải làm để nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh của người Việt.
Trước tiên, bộ trưởng cho rằng cần phải chuẩn hóa chương trình, học liệu và tính thiết thực của việc dạy học tiếng Anh. Bởi hiện nay, các chương trình học tiếng Anh tại Việt Nam rất đa dạng, nhưng cần có một chương trình chuẩn hóa, thiết thực, tránh hàn lâm để học sinh, kể cả vùng sâu, vùng xa cũng dễ tiếp cận.
Ngoài ra, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, việc dạy và học ngoại ngữ cần phải đổi mới theo hướng coi ngoại ngữ là công cụ để giao tiếp, chứ không phải học để đối phó, để lấy chứng chỉ, bằng cấp.
Muốn làm được điều này, tư lệnh ngành giáo dục cho rằng: “Cần xây dựng một cộng đồng nói tiếng Anh, khơi dậy một môi trường mà mọi người thích nói tiếng Anh, thích đọc tiếng Anh, một xã hội học tập, tạo thành phong trào sâu rộng. Người biết nhiều dạy cho người biết ít, không chỉ với học sinh, sinh viên mà cả người trưởng thành, để toàn dân đều có thể học ngoại ngữ”.
Các trường đại học, nhất là các trường đại học công nghệ có thể nhập chương trình của nước ngoài bằng tiếng Anh về giảng dạy và tổ chức các buổi sinh hoạt, thảo luận bằng tiếng Anh. Có thể đưa một số môn học như Toán, Khoa học Tự nhiên vào giảng dạy bằng tiếng Anh trong nhà trường. Qua đó, tăng tính hiệu quả của việc học ngoại ngữ.
Không để thả nổi, buông lỏng chất lượng dạy học ngoại ngữ
Để việc dạy học ngoại ngữ thiết thực, Bộ trưởng Bộ GDĐT cho biết, Bộ sẽ xem xét việc xây dựng trung tâm khảo thí độc lập, uy tín. Có thể mời các tổ chức kiểm định quốc tế có kinh nghiệm để đánh giá chất lượng của các trung tâm giảng dạy ngoại ngữ tại Việt Nam hiện nay.
Điều này để đảm bảo khách quan, không để thả nổi, buông lỏng chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Các trung tâm đều phải kiểm định và được xếp hạng khi tham gia hoạt động giảng dạy.
Bộ GDĐT cũng đang xem xét các giải pháp đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, Giáo viên phải được chuẩn hóa, bồi dưỡng đào tạo theo thực tế, phù hợp theo yêu cầu của từng cấp học.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Tất cả các giải pháp đặt ra đều hướng đến mục đích cuối cùng là tạo môi trường tốt nhất cho việc dạy và học ngoại ngữ đạt hiệu quả. Nếu thế hệ trẻ có được kỹ năng tiếng Anh cùng kiến thức công nghệ thông tin vững chắc thì chắc chắn sẽ hiện thực hóa được rất nhiều khát vọng. Chúng ta sẽ làm được nếu thực hiện tốt ngay từ bây giờ. Để trong 20 năm tới, khi tiếng Anh tốt, công nghệ thôn tin mạnh thì chắc chắn nền giáo dục sẽ thay đổi”.