Học sinh bỏ học sau Tết, sau mỗi kỳ nghỉ là điều mà thầy cô giáo tại các trường vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn luôn trăn trở. Trước tình trạng học sinh nghỉ học kéo dài để phòng chống dịch COVID-19, bài toán được các nhà trường đặt ra không phải chỉ là bổ sung kiến thức cho các em mà quan trọng hơn là duy trì được sĩ số lên lớp.
Tạo sân chơi hấp dẫn
Đã hơn 21 năm gắn bó với giáo dục vùng sâu, vùng xa, ông Lê Huy Phương – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (thuộc xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) - cho biết: Đảm bảo được sĩ số sau mỗi kỳ nghỉ dài là công việc rất khó với giáo viên công tác tại các vùng khó khăn.
Nhận thức được việc này nên ngay từ trong năm học, ông đã cố gắng xây dựng môi trường học tập vui vẻ, thân thiết khiến học sinh luôn coi trường học giống như ngôi nhà thứ 2 của mình và cảm thấy nhớ, muốn đi học lại nếu phải xa lâu ngày.
Vị hiệu trưởng với nhiều năm kinh nghiệm cũng phân công giáo viên chủ nhiệm thường xuyên liên lạc, theo sát tình hình của học sinh. Với tinh thần không chủ quan nên trong thời gian nghỉ vì dịch COVID-19, ông Phương đã cùng các thầy cô giáo xây dựng xong mô hình sân chơi mới cho học sinh, xin tài trợ đồ chơi để tạo hứng thú, thu hút cho học sinh khi quay trở lại trường học.
“Chúng tôi ý thức được việc học sinh có thể nghỉ học nên luôn phải đổi mới để tạo hứng thú cho các em. Tuy nhiên, phải thừa nhận, điều này không phải dễ dàng nếu không có biện pháp lâu dài. Đặc biệt, với các trường học cấp THCS và THPT sẽ có tình trạng bỏ học sau kỳ nghỉ nhiều hơn và rất khó để vận động các em quay trở lại trường” - ông Phương chia sẻ.
Để tránh tình trạng học sinh không đến lớp sau thời gian dài nghỉ học vì dịch COVID-19, Trường Tiểu học Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cũng đã xây dựng kế hoạch truyền thông lưu động.
Ông Nguyễn Mai Trọng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Phùng - cho hay: Học sinh ở trường phần lớn là con em người đồng bào thiểu số, nên sau kỳ nghỉ hè, nghỉ Tết, giáo viên phải đến tận nhà để nhắc nhở học sinh đi học.
Dịp này, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh nghỉ học dài ngày, nên nhà trường đã xây dựng kế hoạch truyền thông, và sẽ triển khai trước ngày học sinh đi học lại theo quy định.
Cụ thể, Trường Tiểu học Hướng Phùng sẽ thuê 1 xe ôtô treo băng-rôn tuyên truyền về việc phòng dịch, gắn loa phát thanh về chương trình phòng chống dịch của bên trung tâm y tế gửi, sẽ thông báo về ngày trở lại trường, tiếp tục việc học tập.
“Xe sẽ đi đến các bản làng, các điểm trường để truyền thông, giúp học sinh và cả phụ huynh nắm bắt các thông tin. Cùng với đó, giáo viên sẽ liên hệ và đến tận nhà để nắm bắt và vận động học sinh quay trở lại trường học” – ông Nguyễn Mai Trọng nói.
Chuẩn bị cả về tâm lí cho học sinh
PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - nhận định, với các trường vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, để thuyết phục học sinh trở lại học sau kỳ nghỉ sẽ là công việc vất vả.
Tuỳ từng địa phương, tâm lí học sinh mà mỗi trường sẽ có những giải pháp riêng. Tuy vậy, cũng cần phải có kế hoạch và hành động sớm, không thể để có lịch học mới đi vận động.
Ông Nam cũng nhấn mạnh thêm, ngoài việc giảng dạy kiến thức cho các em thì với mỗi lứa tuổi, giáo viên, phụ huynh cũng cần theo dõi hệ quả tâm lí của các em. Thời gian nghỉ học kéo dài, nhiều học sinh sa vào game online, phim, internet… thậm chí là cả tệ nạn xã hội, tình trạng yêu sớm.
Bên cạnh đó, thời gian qua, trẻ con sẽ nghe nhiều thông tin trên tivi, đài, báo về dịch COVID-19, truyền thông không đi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc… nếu không được hướng dẫn về tâm lí dễ dẫn đến sự ám ảnh.
Tại nhiều gia đình, khi bố mẹ bị stress bởi áp lực tài chính, công việc, con thường xuyên ở nhà nô đùa, làm nũng cũng tạo nên những xung đột trong gia đình. Vì thế, mọi biểu hiện bất thường của học sinh cần theo dõi, nhận biết sớm.