Làm thế nào khi con luôn nói “bình thường”?
“Hôm nay ở trường thế nào?”, “Bình thường bố ạ!”; “Con cảm thấy thế nào sau khi xem bộ phim đó/làm việc đó”, “Con thấy bình thường”…. Vị phụ huynh chậm rãi kể lại các tình huống mà mình đang gặp phải khi nói chuyện với con về các vấn đề liên quan đến chuyện tình dục, giới tính.
Anh đã rất bình tĩnh, thay vì cấm đoán thì cố gắng nói chuyện với con theo công thức mà các chuyên gia tâm lý hướng dẫn: “Hỏi con cảm thấy thế nào về việc đó?”. Nhưng ông bố bất lực khi luôn nhận được thái độ bất hợp tác của cậu con trai mới lớn bằng cách luôn trả lời “bình thường” với mọi câu hỏi của bố.
Không chỉ vị phụ huynh này gặp vấn đề khi nói chuyện về giới tính, tình dục với con. Rất nhiều tình huống thực tế khác được các phụ huynh đưa ra và cùng nhau thảo luận. Sự tham gia sôi nổi của phụ huynh khiến buổi hội thảo với chủ đề “Trò chuyện với con về giới tính và tình dục” do Trường Phổ Thông Liên cấp Olympia (Hà Nội) tổ chức ngày 17.12 kéo dài hơn so với dự kiến. Phụ huynh hứng thú bởi nó dành cho các bậc làm cha mẹ, để học cách hiểu con và trò chuyện được với con.
Trước những băn khoăn của các phụ huynh, thạc sĩ Phương Hoài Nga - chuyên gia về tâm lý học trẻ em và vị thành niên - đã lần lượt giải đáp, giúp phụ huynh gỡ rối.
Theo vị chuyên gia, đối với trẻ mới lớn, có nhiều biến đổi về tâm sinh lý, chủ đề tình yêu, giới tính khiến các em bỡ ngỡ. Trong khi với sự phát triển của Internet, các thông tin về chủ đề này tràn ngập, càng làm tăng tính tò mò và háo hức muốn khám phá. Vì thế, buộc cha mẹ phải biết cách trò chuyện với con mình về các chủ đề này.
Vậy nên trò chuyện thế nào là đúng và đủ?
“Bố mẹ sẽ buộc phải học cách công nhận. Ví dụ, khi đến tuổi dậy thì con sẽ có những tò mò về giới tính, có ham muốn và tìm cách để thỏa mãn. Vì thế đừng ngạc nhiên, nổi nóng khi phát hiện ra con trò chuyện với bạn bè trong các nhóm chat về chủ đề này. Hay có hành động thủ dâm, xem phim khiêu dâm, có bạn trai hay bạn gái.
Bố mẹ cần biết con mình đang tiêu thụ những gì trên Internet, giải thích về tình dục an toàn, trò chuyện cởi mở với con về mọi thứ, lắng nghe bằng sự quan tâm.
Nếu con phản ứng với sự quan tâm đó bằng những câu như “bình thường”, với một ngụ ý là bố mẹ đừng hỏi nữa, thì hãy kiên nhẫn chờ đến một thời điểm thích hợp để trò chuyện, thay vì phàn nàn hay quát nạt. Vì nếu làm thế sẽ càng đẩy con ra xa”- thạc sĩ Phương Hoài Nga nhấn mạnh.
Cần sự phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường
Trong các trường phổ thông hiện nay, giáo dục giới tính vẫn đang là khoảng trống, vừa "thiếu, ít và muộn". Giáo dục giới tính không phải môn riêng biệt mà được lồng ghép, tích hợp với môn học khác, trong khi không phải giáo viên nào cũng có kỹ năng, phương pháp để giao tiếp, kết nối với học sinh khi dạy về chủ đề này.
Là một trong những trường phổ thông đầu tiên thiết kế được chương trình về giáo dục giới tính và đưa vào dạy chính khóa, thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Olympia (Hà Nội) - cho rằng, rất cần có sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc giáo dục, trang bị cho trẻ các kỹ năng, đặc biệt là các kiến thức về giới tính để tự bảo vệ mình.
Ngoài việc liên tục có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho giáo viên, có 3 nguyên tắc giáo dục giới tính mà Trường Olympia luôn áp dụng là: Ở trường con được học cái gì thì cha mẹ cũng cần biết cái đó, bằng cách gửi email bài học về cho phụ huynh hay tổ chức nhiều chương trình tư vấn liên quan đến việc chăm sóc con dành cho cộng đồng phụ huynh.
Tiếp theo, nhà trường có những góc tương tác để học sinh có thể chia sẻ những tâm tư, những thất thường của tuổi ẩm ương. Việc này được làm song song trong suốt năm học.
Cuối cùng, nhà trường sẵn sàng tư vấn 1-1 với học sinh, kể cả phụ huynh và đảm bảo điều con, bố mẹ nói đều được bảo mật.
Theo cô Hiền, nếu mỗi nhà trường đều làm tốt được điều này thì khoảng trống về giáo dục giới tính sẽ dần được thu hẹp, vì sự phát triển toàn diện và an toàn cho học sinh.