Theo quy định hiện hành, ngày kết thúc năm học là 31.5 và ngày khai giảng năm học mới là 5.9. Ý nghĩa của ngày khai giảng là dịp để thầy trò gặp gỡ, sau 3 tháng nghỉ hè, để bắt đầu hành trình mới dưới mái trường. Cũng vì là ngày đầu tiên được gặp lại bạn bè, thầy cô, nên học sinh rất háo hức, xốn xang chờ đợi. Mỗi lần khai trường là dấu mốc một quan trọng trong đời người.
Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, học sinh đến nhận lớp, tựu trường trước cả tháng rồi mới đến ngày khai giảng.
Như tại Hà Nội, các trường tổ chức tựu trường từ 1.8. Học sinh được nhận lớp, nhận giáo viên và làm quen với nền nếp lớp học.
Tại TPHCM, ngày 19.8, học sinh cũng đã tựu trường, làm quen với bạn bè, thầy cô. Nhiều trường tổ chức học tập, ôn luyện cho học sinh, sau đó sẽ tổ chức khai giảng vào 5.9.
Học sinh đi học cả tháng rồi mới khai giảng, vì điều này, không ít ý kiến cho rằng ngày khai giảng bây giờ không còn ý nghĩa như xưa và mang tính hình thức.
“Tôi vẫn nhớ kỷ niệm ngày khai giảng thời còn đi học, sao mà bồi hồi, nô nức và thiêng liêng đến thế. Đây là ngày đầu tiên được gặp lại bạn bè sau 3 tháng nghỉ hè.
Bây giờ, các con đều đi học trước rồi mới khai giảng sau. Tôi cảm nhận con không có cảm giác háo hức, chờ đợi ngày này như thời của chúng tôi" - chị Nguyễn Thị Thảo (phụ huynh có con học Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.
Còn theo Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà - chuyên viên tư vấn tâm lý học đường - Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hà Nội), mỗi chúng ta đều cần mốc thời gian để tạo sự thay đổi. Ngày khai giảng đánh dấu thời điểm bắt đầu một năm học mới.
Dù bây giờ các em tựu trường sớm hơn, nhưng thời điểm nghe tiếng trống khai trường trong ngày khai giảng vô cùng thiêng liêng, tạo động lực để học sinh và thầy cô bắt tay vào thực hiện mục tiêu của năm học mới. Quan trọng nhất là cách truyền cảm hứng của người lớn, của thầy cô, để học sinh hiểu được ý nghĩa của ngày khai giảng.
Để ngày khai giảng thực sự có ý nghĩa, những ngày qua, ngành giáo dục của các địa phương đã có những văn bản chỉ đạo, yêu cầu tổ chức ngày khai giảng ngắn gọn, tránh rình rang.
Tại Đà Nẵng, lễ khai giảng sẽ không còn phần phát biểu của lãnh đạo các cấp. Nhiều địa phương khác thì phát động lễ khai giảng "không thả bóng bay", "không rác thải nhựa". Tất cả nỗ lực vì một lễ khai giảng vì học sinh.