Học sinh, giáo viên đã thực sự hạnh phúc?
Trường học hạnh phúc hướng tới việc hình thành các giá trị cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng. Trong đó, mỗi thành viên từ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh được nói lên suy nghĩ, có điều kiện đổi mới sáng tạo, phát huy hết các năng lực cá nhân. Ở môi trường này, từng thành viên đều cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui, trường học thực sự là "nơi ước đến, chốn mong về".
Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục ở vùng sâu vùng xa, còn khó khăn về cơ sở vật chất và điều kiện giảng dạy. Gắn bó với nghề giáo 36 năm 2 tháng, cô Nguyễn Thị Lê Dung – giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Hảo (Bình Định) cho biết, điểm trường cô công tác còn nhiều thiếu thốn. Những ngày đầu mở cửa đón học sinh chỉ có 3 phòng học. Đến tận bây giờ, điểm trường mới lên được 10 phòng học, các phòng chức năng không có.
Theo cô Dung, khái niệm trường học hạnh phúc đã dần hình thành trong nhận thức của giáo viên và học sinh nơi đây. Tuy nhiên, cơ sở vật chất còn rất khó khăn, chưa đủ điều kiện đáp ứng mục tiêu kiến tạo trường học hạnh phúc.
"Muốn hạnh phúc thì phải an toàn, trường học an toàn mới có trường học hạnh phúc. Tuy nhiên, các phòng học chức năng phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn chưa hoàn thiện, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn" - cô Dung nói.
Bên cạnh những khó khăn về cơ sở vật chất và điều kiện giảng dạy do ở vùng sâu, vùng xa thì có những khó khăn về áp lực thành tích khiến giáo viên, học sinh và lãnh đạo nhà trường đều chưa cảm thấy hạnh phúc.
Thầy Nguyễn Duy Khánh - giáo viên Trường THPT Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) cho rằng, trường học hạnh phúc khi học sinh, giáo viên, phụ huynh và nhà trường đều cảm thấy hạnh phúc.
Học sinh cho rằng hạnh phúc là được làm những điều mình thích, nhưng khi hỏi học sinh có thích đến lớp không, thì 90% trả lời không thích do áp lực học tập quá lớn.
Còn giáo viên thì bị áp lực nặng về hành chính như sổ sách, thao giảng, thậm chí là gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến họ không có thời gian để phát triển chuyên môn và quan tâm đến học sinh. Đặc biệt, lãnh đạo nhà trường cũng khó có hạnh phúc khi bị áp lực thành tích quá nặng.
Kiến tạo trường học hạnh phúc
"Làm thế nào để giáo viên và học sinh cảm thấy hạnh phúc?" là dấu hỏi lớn được nhiều người đặt ra. Hiến kế cho ngành Giáo dục, thầy Nguyễn Duy Khánh cho rằng, môi trường học đường phải thật sự thay đổi để học sinh được hạnh phúc.
Ở đó, học sinh được làm điều mình thích, cảm thấy thích thú khi đến trường mà không có nhiều áp lực. Muốn điều này trở thành hiện thực thì học sinh cần được yêu thương chia sẻ nhiều hơn, các em cần được giảm bớt kiến thức hàn lâm; thay vào đó là học nhiều hơn về thể dục thể thao, được giáo dục tốt về lòng biết ơn, bao dung, sẻ chia, đặc biệt là giáo dục trải nghiệm để có nhiều kĩ năng. Điều này giúp học sinh tốt hơn về mặt thể hình, trí tuệ và cảm xúc hài hoà.
Với giáo viên, họ cần được đáp ứng nhu cầu cơ bản, cải thiện lương để nuôi sống được bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, họ cần được cải thiện về môi trường làm việc bằng cách giảm bớt thủ tục hành chính, có thời gian phát triển bản thân, nâng cao chuyên môn và quan tâm tới từng học sinh.
Đặc biệt, trong nhà trường, hiệu trưởng phải là người khởi nguồn và tổ chức, kiến tạo trường học hạnh phúc. Ngược lại, sự thành công và hạnh phúc của học sinh, của giáo viên lại là thành công và niềm vui của hiệu trưởng.
Ngoài ra, gia đình các em học sinh cũng cần cảm thấy hạnh phúc vì khi đó sẽ tạo ra môi trường sống hạnh phúc. Sự kết hợp giữa học sinh, thầy cô, nhà trường, gia đình sẽ kiến tạo nên xã hội hạnh phúc.
"Bản thân mỗi người hạnh phúc sẽ tạo nên gia đình hạnh phúc. Học sinh, thầy cô hạnh phúc thì nhà trường sẽ hạnh phúc" - thầy Khánh khẳng định.