“Chương trình của tôi khuyến khích trẻ con được sáng tạo”
Chiều 22.9, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm“Hồ Ngọc Đại-Công cuộc đổi mới toàn diện và triệt để giáo dục”. Trong sự kiện, GS Hồ Ngọc Đại đã có những chia sẻ tâm huyết về chương trình “Công nghệ giáo dục”, cũng như cuốn sách mà mình tâm đắc “Tiếng Việt lớp 1”.
“Từng giây phút của trẻ em là rất đáng quý” – GS Hồ Ngọc Đại nhiều lần nhắc lại quan điểm này trong buổi tọa đàm.
Nhận định trẻ em là “sản phẩm” của thời đại, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng khi bước sang thế kỷ 21, “có những cái chưa hề có nên phải có nền giáo dục chưa hề có”. Điều ông mong muốn là tạo nên nền giáo dục hiện đại, không theo gương ai hết, để mỗi người trở thành chính nó, xứng đáng với chính nó.
Buổi tọa đàm diễn ra sôi nổi với phần thảo luận. Nhiều khán giả đặt những câu hỏi rất thẳng để mong GS Hồ Ngọc Đại giải đáp. Có phụ huynh nói rằng, thời gian qua thấy các phương tiện truyền thông nói rất nhiều đến “Công nghệ giáo dục”, nhưng nhiều người thực sự chưa hiểu nó có ưu việt gì so với chương trình giáo dục hiện hành?
GS Hồ Ngọc Đại đã tóm lược ngắn gọn: Công nghệ giáo dục là công trình nghiên cứu mà ông tâm huyết, ở đó lấy trẻ em làm trung tâm chứ không phải thầy giáo. Học là chơi chứ không phải vật lộn đau khổ. Học không thi cử, không chấm điểm.
“Tôi có một nguyên tắc sư phạm thế này, trẻ con muốn có cái gì thì tự nó phải làm ra cho chính mình cái đó. Người lớn chỉ tạo phương tiện nhưng nó phải tự làm lấy, chứ không học vẹt, nhớ vẹt.
Mỗi người tự làm lấy sản phẩm cho mình nên không ai giống ai cả. Bản thân tôi không so sánh, nhưng có thể nói thế này: Công nghệ giáo dục là một quá trình có thể tổ chức và kiểm soát được, không may rủi. Vì thế có những cái có thể bắt buộc được là tiếng Việt và có những cái không thể bắt buộc được… Chương trình của tôi khuyến khích trẻ con được sáng tạo"- GS Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh.
“Trẻ con vào lớp 1, cái gì cũng phải mới”
Trước câu hỏi “Bất kể những người sáng tạo đầu tiên đều là người cô đơn, đến hiện tại, GS đã tìm ra truyền nhân của mình để tiếp nối những tư tưởng trong Công nghệ giáo dục?”, GS Hồ Ngọc Đại tự hào nói: “Hiện nay tôi có 800.000 học sinh học lớp 1, có hàng vạn giáo viên học và làm theo phương pháp của Công nghệ giáo dục. Tất cả giáo viên dạy theo sách của tôi đều được tập huấn từng tiết học một, vào tiết học sẽ phải làm gì...
Nhưng mọi việc muốn nói gì thì nói đều phải theo thời gian, mà thời gian thì một chiều, nên tôi thiết kế quyển sách không có một bước nào phí đời trẻ con. Trẻ chơi mà học”.
Cũng tại tọa đàm, nhiều ý kiến của giáo viên và phụ huynh băn khoăn là hiện nay có nhiều chương trình, nhiều loại sách, liên tục cải cách, khiến giáo viên cũng mệt mỏi.
Đặc biệt, nếu học theo sách "Công nghệ giáo dục" thì liên tục phải mua sách mới, vì năm nào cũng chỉnh sửa, khiến phụ huynh tốn kém tiền bạc. Có người dẫn ra câu chuyện mỗi năm NXB Giáo dục Việt Nam in hàng vạn bản SGK mới, phụ huynh cả nước chi nghìn tỉ đồng để mua.
Về những vấn đề này, GS Hồ Ngọc Đại bày tỏ quan điểm: Lớp 1 là lớp quan trọng, lần đầu tiên đến trường. Lớp 1 phải có áo mới, quần mới, tất cả phải mới... Riêng về lớp 1, tôi đã từng nói với một lãnh đạo nhà nước là phải bỏ tiền để mua tặng học sinh lớp 1 bộ sách mới tinh. Coi đây là món quà của nhà nước, nhân dân, của cuộc đời dành cho một đứa trẻ.