Lại "quay xe"...
Đang trên đường về quê đón con trở lại Hà Nội, chuẩn bị cho việc học trực tiếp vào ngày 21.2 thì bất ngờ nhận được thông báo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hoãn việc học trực tiếp, chị Nguyễn Minh Hương – phụ huynh có con học lớp 2 tại quận Cầu Giấy rơi vào tình cảnh oái oăm, dở khóc dở cười không biết nên đi tiếp hay quay lại.
Chị Hương kể lại, từ trước Tết Nguyên đán, gia đình chị buộc phải gửi con về quê, nhờ ông bà chăm sóc và trông cháu học online. Khi nghe tin các con đi học trực tiếp trở lại, vợ chồng chị đã bàn bạc, tính toán phương án đón con và cả ông bà lên Hà Nội.
“Trường chỉ dạy học 1 buổi nên tôi buộc phải nhờ đến ông bà lên Hà Nội đưa đón, cơm nước cho con đi học một thời gian. Hôm nay tôi đã phải xin về sớm để về quê đón cháu lên, đi được nửa đường thì cô giáo chủ nhiệm thông báo tạm hoãn lịch đi học. Suy nghĩ một hồi, tôi quyết định quay về Hà Nội, tiếp tục để con ở quê. Cứ vài ba hôm lại có quyết định mới, phụ huynh chúng tôi xoay sở phát mệt” – chị Hương thở dài ngao ngán.
Còn chị Nguyễn Thị Nhật Lệ (trú tại quận Bắc Từ Liêm) lại tỏ ra bức xúc trước những quyết định sát nút. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn mà liên tục thay đổi phương án dạy học, khiến phụ huynh "quay mòng mòng" chạy theo các phương án mới.
“Thời điểm tháng 10.2021, khi nghe tin Sở GDĐT Hà Nội đề xuất cho học sinh đi học lại, tôi cùng một số phụ huynh khác đã thống nhất thuê chiếc xe 16 chỗ đưa đón con đi học. Sau đó, học sinh không đi học, tôi phải hủy hợp đồng với tài xế.
Lần này có quyết định đi học, ngày 17.2 tôi đã làm việc với nhà xe, sáng 18.2 phụ huynh đăng ký thuê xe xong xuôi, chiều lại báo nghỉ học, lại hủy hợp đồng với tài xế và phải bồi thường hợp đồng. Thật không biết nên vui hay buồn” – chị Lệ nói.
Học sinh hụt hẫng
Nghe tin được đến trường, em Vũ Minh Đức - học sinh lớp 6 tại quận Cầu Giấy reo lên vì sắp được gặp bạn bè, thầy cô và được đi xe đạp đến trường. Nhìn con vui vẻ, chị Đỗ Thanh Hà - mẹ của Đức cũng gạt qua những lo lắng ban đầu.
Chị Hà cho biết, hai mẹ con đã sốt sắng chuẩn bị đầy đủ quần áo, sách vở, đồ dùng học tập và sắm thêm một chiếc xe đạp để con đến trường vì nhà gần. Tuy nhiên, chiều nay nhận thông báo học sinh tạm dừng đến trường, chị Hà rất hụt hẫng và vẫn chưa báo tin với con trai.
"Tôi vẫn chưa nói với con về việc này vì chắc chắn con sẽ buồn. Nhiều ngày nay con hồ hởi chuẩn bị mọi thứ, sẵn sàng đến lớp cùng thầy cô và bạn bè. Tôi cũng dặn dò con giữ an toàn, chuẩn bị sẵn khẩu trang, nước sát khuẩn và kit test để test nhanh hàng ngày cho con. Mọi thứ đã đâu và đó, bỗng nhiên thành phố thay đổi quyết định" - chị Hà buồn bã nói.
Bất lực không nói nên lời, anh Nguyễn Chí Hùng - phụ huynh có con học lớp 3 tại quận Tây Hồ thở dài: "Tình hình thế này không biết bao giờ bọn trẻ mới được đến trường".
Trước những quyết định bất ngờ, anh Hùng thẳng thắn đề nghị ngành Giáo dục Thủ đô nên xây dựng kế hoạch cụ thể, đúng tiến độ và thực hiện đúng lộ trình đã đề ra, tránh thay đổi bất ngờ, ảnh hưởng đến tâm lý của phụ huynh, học sinh và giáo viên.
"Các con đến trường, phụ huynh phải có phương án đưa đón, cơm nước, thay đổi lịch trình làm việc. Các con ở nhà cũng phải đề ra phương án quản lý phù hợp. Phụ huynh chúng tôi đến khổ vì kế hoạch học tập của các con" - anh Hùng bức xúc.