Chiều 12.7, ông Nguyễn Xuân trường - Giám đốc Sở GDĐT Hải Phòng - đã có buổi trả lời chất vấn cử tri về việc thay đổi chương trình thi vào lớp 10 gây nhiều tranh cãi, bức xúc đối với phụ huynh, học sinh thời gian vừa qua (Lao Động đã đưa tin).
Dư luận phản ứng môn thi “7 trong 1”
Theo ông Nguyễn Xuân Trường, từ năm học 2017 - 2018, Sở GDĐT Hải Phòng đã đề xuất để TP phê duyệt “Đề án tuyển sinh vào 10”, trong đó áp dụng phương thức thi mới đối với hệ công lập. Theo đó, những năm trước, sở áp dụng hình thức vừa thi tuyển (2 môn văn và toán) vừa xét tuyển (học bạ 4 năm THCS). Năm nay, ngoài việc thi toán - văn như cũ, sở áp dụng thi tuyển môn tổ hợp với 7 môn học gồm Tiếng Anh, Sinh, Sử, Địa, Lý, Hóa, Giáo dục công dân, thời gian thi 60 phút. Để thi được môn tổ hợp, học sinh phải học khoảng 700 câu hỏi ôn thi. Vì vậy, trước, trong và sau kì thi, dư luận đã phản ứng gay gắt môn thi này do những bất cập mang lại.
Theo các phụ huynh, việc áp dụng môn thi tổ hợp với 7 môn học, công hai môn Toán, Văn, học sinh phải học tất cả 9 môn học với khối lượng kiến thức quá lớn, trong khi chỉ tiêu chung của cả ngành chỉ có khoảng 65% cháu đỗ công lập, đã gây áp lực rất lớn lên học sinh và gia đình, thời gian chuẩn bị cho thi tổ hợp chỉ mấy tháng, không có lộ trình, gây bất ổn trong nhân dân.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Trường, Đề án đổi mới phương thức thi vào 10 sẽ giúp học sinh phát triển toàn diện, tránh tình trạng học lệch. Việc chuyển từ xét tuyển sang thi tuyển sẽ tránh được việc giáo viên tự ra đề, tự kiểm tra nên sẽ công bằng, khách quan hơn.
Trao đổi với Lao Động, ông Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng - cho rằng: “Kiến thức thi tổ hợp cũng chỉ ở mức cơ bản, nên việc học sinh học thi 7 môn là để các em có kiến thức toàn diện. Muốn xã hội phát triển thì phải học hành và thi cử nghiêm túc”.
|
Kì thi vào 10 năm học 2017-2018 ở Hải Phòng đã gây áp lực rất lớn cho học sinh, phụ huynh và cả giáo viên. Ảnh HH
|
Đề án còn nhiều thiếu sót
Tuy nhiên, điều đáng nói là, đề án thi vào 10 sở GD trình UBND TP phê duyệt năm học này chỉ đề cập đến việc chuyển từ hình thức xét tuyển sang thi tuyển, mà không hề đề cập đến vấn đề tuyển thẳng hay việc tổ chức hội đồng thi như thế nào.
Lý giải điều này, ông Lê Khắc Nam cho biết: Đề án chỉ thay đổi phương thức từ xét tuyển sang thi tuyển, còn mọi thứ vẫn như cũ, không có gì thay đổi.
Tuy nhiên, trên thực tế, trước khi diễn ra kì thi vào 10 năm nay, Sở GDĐT đã yêu cầu các trường THPT trên địa bàn khống chế số lượng học sinh được xét tuyển thẳng - điểm thay đổi so với những năm trước.
Theo ông Nguyễn Xuân Trường, nếu không khống chế số lượng tuyển thẳng vào mỗi trường thì các học sinh diện tuyển thẳng sẽ chỉ nộp đơn vào những trường tốp đầu, ảnh hưởng đến cơ hội dành cho các cháu có lực học tốt muốn thi tuyển vào những trường trên. Việc làm này cũng tạo công bằng cho các học sinh. Nhưng khi được hỏi, việc thay đổi này sao không được đề cập đến trong Đề án thi vào 10 năm học này theo quy định, ông Trường đã không trả lời được.
Ngoài ra, theo Thông tư số 11/2014-BGDĐT ngày 18/04/2014 của Bộ GDĐT, tại mục 6 điều 10 nói về công tác tuyển sinh THCS &THPT đã chỉ rõ: Sở GDĐT có trách nhiệm thống kê, thông tin, báo cáo định kỳ và hàng năm, đột xuất về công tác tuyển sinh với UBND cấp tỉnh và Bộ GDĐT. Tuy nhiên, khi lập đề án và trình phương án đổi mới thi này, Sở GDĐT Hải Phòng đã không xin ý kiến và hướng dẫn từ Bộ, kết quả là phương án thi gặp phản ứng dữ dội của dư luận.
Theo ông Trường, Sở nhận trách nhiệm trong việc chuẩn bị chưa hoàn hảo, chưa đánh giá hết tác động của sự thay đổi mà đã cho triển khai, nên có dư luận phản ứng. “Trước ý kiến của cử tri, Sở sẽ nghiêm túc đánh giá lại những cái được và chưa được về kì thi tuyển sinh vào 10 trong kỳ họp HĐND kỳ tới” – ông Trường nói.
Ông Lê Văn Thành - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hải Phòng - nhận định: Việc thi tuyển thay thế xét học bạ có ưu điểm là khách quan hơn. Tuy nhiên, Sở phải đánh giá lại trên tinh thần trao đổi thẳng thắn là đã nhận rõ những tồn tại: Gây áp lực cho học sinh, tốn tiền ngân sách và phụ huynh, chỉ có một số ít tỉnh thành áp dụng. “Vì vậy, HĐND TP giao Sở GDĐT Hải Phòng sớm có đề xuất, báo cáo lại về phương án thi tuyển vào 10 , báo cáo thường trực Thành uỷ, UBND TP cho kì thi năm tới” – ông Thành chỉ đạo.