Hạnh phúc giản đơn
Mang trong mình tâm hồn yêu trẻ và lòng say mê với nghề, các cô giáo vùng cao lặng thầm hy sinh mà không cần đền đáp bất cứ điều gì. Khi được hỏi mong muốn gì về ngày 8.3, cô Lê Thị Hà Phương - giáo viên Trường TH&THCS Tô Múa (Sơn La) bộc bạch, món quà ý nghĩa nhất với cô là học sinh không bỏ học giữa chừng, ngày nào cũng đến lớp đầy đủ.
Hơn ai hết, cô hiểu được vất vả của học trò vùng cao, đời sống còn khó khăn, miếng cơm ăn chưa no nhưng các em vẫn nhớ tới cô, dành những lời chúc chân thành nhất. Những lúc như vậy, nước mắt người thầy như trực trào bởi học sinh đã dần trưởng thành, biết yêu thương và quan tâm đến những người xung quanh.
Đó cũng là món quà mà cô Tạ Thị Kim Thoa - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT An Lão (Bình Định) nhận được trong mùa 8.3 năm nay. Vị giáo viên vẫn còn cảm giác vui mừng khi học sinh đi học đầy đủ và dành lời chúc tới cô.
“Sáng đến lớp thấy các con đi học, kiểm tra sĩ số cả lớp đều đủ là vui lắm. Tôi không còn phải đi đến từng nhà hỏi han, động viên các em đến trường như những năm trước đó. Học sinh đã hiểu được phần nào tầm quan trọng của việc học, đó là niềm hạnh phúc của giáo viên vùng khó” – cô Thoa tâm sự.
Cảm xúc buồn vui lẫn lộn
Gắn bó với sự nghiệp trồng người 17 năm, cô Lê Na – giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Kỳ Sơn (Nghệ An) chia sẻ, 8.3 năm nào cũng ngập tràn niềm vui bởi tình cảm chân thành, giản dị của các em học sinh nơi đây.
Những món quà ý nghĩa chỉ vài nghìn đồng, những lời chúc, những dòng thư viết tay học sinh cô Na đều trân trọng. Niềm vui của cô Lê Na chỉ đơn giản là được học sinh gọi điện, chúc mừng nhân ngày lễ.
“Có nhiều bạn học sinh lên cấp 3, các em học nội trú không được dùng điện thoại. Ngày lễ, đúng giờ học Tin, các em tranh thủ nhắn tin, gọi điện về cho cô. Cả cô và trò đều vui, tíu tít hỏi thăm nhau” - cô Na xúc động.
Kể lại kỉ niệm ngày 8.3 đáng nhớ, cô Lương Thị Tuyết – giáo viên Trường PTDTBT THCS Thắng Mố (Hà Giang) cười hiền “thương học trò lắm”.
Nhà các em học sinh thường ở gần chuồng trại, lại rất ít khi tắm nên trên người có nhiều bọ chét. Ngày 8.3, cô Tuyết được học sinh tặng nhiều bó hoa rừng, cô nhớ mãi không quên cảnh bị bọ chét đốt khắp người đến nỗi cả đêm không ngủ được.
"Tôi không nỡ trách mà chỉ thấy thương và đồng cảm với học trò. Tôi ngồi lại chia sẻ với các em về cách vệ sinh thân thể, hướng dẫn các em truy cập mạng để mở rộng thông tin về sức khỏe" - cô Tuyết kể.
Mỗi thầy cô có hoàn cảnh và câu chuyện khác nhau nhưng đều chung mong mỏi học sinh chăm chỉ học tập, các em có đủ cơm ăn áo mặc, điều kiện tốt đi học. Thầy cô cũng mong học trò nhận được sự yêu thương, quan tâm hơn từ gia đình và xã hội để các em tiếp tục được cắp sách đến trường.