Trung Quốc
Các môn học bắt buộc bậc tiểu học ở Trung Quốc gồm Toán, Tiếng Trung, ngoại ngữ. Vẽ, Âm nhạc hay Thể dục là các môn tùy chọn.
Ở cấp THCS và THPT, học sinh được dạy thêm về khoa học (Vật lý, Hóa học và Sinh học kết hợp với nhau), nghiên cứu xã hội, kỹ năng tin học và khoa học máy tính. Mức độ phức tạp cũng như số lượng môn học tăng dần qua các năm khiến hệ thống giáo dục Trung Quốc được xem là khó bậc nhất thế giới, gây áp lực lớn cho học sinh.
Singapore
Ngay từ khi học lớp 8, học sinh ở Singapore đã được quyền tự lựa chọn tổ hợp môn học. Mỗi học sinh học từ 6 - 8 môn, trong đó Toán và Tiếng Anh thường là môn cố định, những môn còn lại các em sẽ chọn theo sở trường, sở thích và định hướng cá nhân.
Nhật Bản
Học sinh tiểu học được học tiếng Nhật, Thư pháp, Âm nhạc, Thơ, Số học,....
Ở bậc trung học cơ sở, học sinh ở Nhật Bản sẽ có thêm một số môn: Công nghệ thông tin, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học và Địa chất học kết hợp với nhau), Nguyên tắc cơ bản về an toàn cuộc sống, Lịch sử, Tiếng Anh và một số môn học tùy chọn đặc biệt.
Ở trường trung học phổ thông, học sinh có hai hướng chính: Khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên. Mục tiêu chính là vào đại học, do đó, các em được chọn các môn học còn lại.
Mỹ
Các môn học bắt buộc ở trường tiểu học là số học, đọc, viết, giới thiệu về khoa học tự nhiên và lịch sử địa phương.
Các môn học ở trường THCS bao gồm Toán, Ngôn ngữ, Khoa học tự nhiên (kết hợp giữa Hóa học, Sinh học và Vật lý), Khoa học xã hội (Lịch sử) và Giáo dục thể chất. Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa rất đa dạng, học sinh có thể lựa chọn để tham gia, bao gồm Tâm lý học, Khoa học pháp y, Báo chí, Hùng biện, Khắc gỗ, Làm gốm, Nấu ăn...
Các môn học bắt buộc ở bậc trung học phổ thông là Toán, Ngữ văn, Khoa học tự nhiên (một năm học môn Hóa, một năm học môn Sinh và một năm học Vật lý), Khoa học xã hội (Lịch sử và Thể chế tiểu bang), Giáo dục thể chất.
Danh sách môn học tùy chọn của học sinh trung học có thể khác nhau tùy trường gồm Diễn xuất, Cơ thể học, Thống kê, Khoa học máy tính,...
Nga
Ở tiểu học, trẻ em Nga học Toán, Nghiên cứu thiên nhiên, tiếng Nga, Đọc, Ngoại ngữ, Vẽ, Âm nhạc, Giáo dục thể chất và Cờ vua.
Chương trình giảng dạy ở bậc THCS gồm Ngôn ngữ và văn học Nga, Ngoại ngữ, Đại số, Hình học, Tin học, Lịch sử, Khoa học xã hội, Địa lý, Lịch sử tự nhiên, Sinh học, Vật lý, Hóa học, Nguyên tắc cơ bản về an toàn cuộc sống, Giáo dục thể chất, thủ công.
Lên cấp THPT, học sinh có thể nghiên cứu môn Vẽ kỹ thuật, Thiên văn học và Văn hóa nghệ thuật thế giới. Môn học bắt buộc và số tiết học được điều chỉnh sau khi phân lớp. Nếu học ở lớp chuyên toán, học sinh sẽ có nhiều tiết Toán và Lý hơn, ít tiết Văn hơn.
Hệ thống giáo dục ở Nga được thống nhất, không có giáo trình riêng biệt. Tuy nhiên, một số trường hoặc một số khu vực có thể bổ sung thêm môn.