Theo TS Phạm Mạnh Hà, chọn ngành nghề cần xem thị trường. Tuy nhiên, nếu chỉ chọn nghề theo thị trường thôi thì dễ rơi vào nguy cơ “được mùa, mất giá”. Nhiều người lao vào học 1 số ngành nghề nhất định và sau 4 năm học thì lại tạo ra nguồn lực khủng khiếp.
Vì thế, cần xác định thực sự về năng lực, tố chất và tính cách của mình. Bởi những điều này sẽ theo mỗi con người lâu dài và giúp chuyển đổi nghề nghiệp dễ dàng.
Khi chọn trường, việc đầu tiên cần xác định ngành đó đào tạo nghề gì bởi nghề nghiệp quyết định sự theo đuổi lâu dài. Nhiều người chỉ định hướng vào trường với suy nghĩ chỉ cần vào trường tốp trên, trường danh tiếng, đi du học là sẽ thành công, dễ xin việc... Đó là sự ngộ nhận. Quan trọng là lĩnh vực đó, ngành nghề đó, bản thân có phát huy được tố chất và sẽ đam mê lâu dài hay không.
Từ những phân tích đó, Phó trưởng Khoa Công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đưa lời khuyên: Các bạn cần nhớ 5 nguyên tắc cơ bản khi chọn ngành, nghề, trường phù hợp.
Thứ nhất, chọn trường. Hiện có rất nhiều trường và chuyên ngành khác nhau thì đầu tiên hãy chọn trường có truyền thống, và chọn ngành đặc sắc nhất trong trường bởi khi đó các thầy cô sẽ có kinh nghiệm đào tạo.
Thứ hai, chọn trường có điều kiện trải nghiệm nghề nghiệp. Nhiều bạn khi vào trường rồi mới phát hiện mình có hợp với ngành nghề này không. Vì thế, nếu chọn trường có đào tạo theo hướng bằng kép, song bằng hay đào tạo tín chỉ cho phép chuyển đổi ngành nghề trong trường sẽ hạn chế việc chọn sai và phải bắt đầu lại từ đầu.
Và điểm quan trọng nhất các bạn cần nhớ là yếu tố số 1 vẫn là chọn ngành. Ngành đó phải là ngành mình theo đuổi hay không. Nếu chọn ngành mang tính chuyên sâu thì khó xin việc. Ngành càng chuyên sâu bao nhiêu thì cơ hội xin việc hay chuyển đổi nghề nghiệp sẽ càng khó hơn, phức tạp hơn.
Ngành quá rộng để làm gì cũng được thì sau này không biết mình làm cái gì thì cũng nguy hiểm. Cần đảm bảo chọn ngành vừa có tính chuyên sâu, đồng thời vừa có độ mở để chuyển đổi nghề dễ dàng.
Tiếp nữa là chọn vị trí học tập. Tuỳ thuộc vào tài chính và văn hoá để chọn khu vực học tập. Ví dụ, gia đình điều kiện khó khăn hãy chọn các trường cao đẳng hay đại học vùng và gần địa phương sinh sống để có chi phí thấp hơn. Điều này đảm bảo quá trình học tập không bị đứt đoạn hoặc phải lao vào việc làm thêm quá nhiều.
Cuối cùng, chọn đại học hay cao đẳng, trung cấp. Việc này phụ thuộc vào bậc học đấy có đào tạo nghề bạn yêu thích hay không. Có nghề chỉ đào tạo trung cấp, cao đẳng cũng có nghề chỉ đào tạo ở bậc đại học.
Ngoài ra, yếu tố điều kiện kinh tế gia đình cũng cần được xem xét.