Giảm áp lực từ sổ sách, giấy tờ
Gần 20 năm gắn bó với nghề, dìu dắt bao thế hệ học trò không lớn, trưởng thành, mong mỏi duy nhất của cô Lê Thị Nguyệt Minh - giáo viên tiểu học tại Hà Nội là được giảm áp lực thủ tục, quy trình, sổ sách, phong trào không cần thiết.
"Giáo viên chúng tôi yêu trẻ, đi dạy bằng cả tâm huyết. Tuy nhiên hiện nay, có quá nhiều loại sổ sách mang tính hình thức. Nhiều việc phải làm trên hệ thống vẫn phải làm trên giấy, tốn quá nhiều thời gian, công sức của thầy cô.
Nên chăng thời gian đó để dành cho các con, để giáo viên tập trung bồi dưỡng chuyên môn thì sẽ tốt hơn rất nhiều" - cô Minh bày tỏ.
Mong chờ đồng lương nhà giáo được cải thiện
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hiện đang hoàn thiện và chuẩn bị công bố Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông.
Cô Ngọc Hiền, giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hà Nội) kỳ vọng thông tư mới được ban hành sẽ khoa học, phù hợp, xếp lương giáo viên đúng hạng, vị trí việc làm.
"Tôi cũng như bao đồng nghiệp luôn luôn hy vọng ngành giáo dục không ngừng đổi mới, bắt kịp xu hướng hiện đại, ngày càng phát triển hơn.
Đồng thời, sẽ có thêm nhiều chính sách khích lệ động viên các anh chị em đồng nghiệp, để chúng tôi luôn giữ được nhiệt huyết, lửa nghề" - cô Hiền chia sẻ mong ước.
Gỡ rối việc triển khai chương trình lớp 10 mới
Năm học vừa qua, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chính thức áp dụng đối với lớp 10. Nhiều thay đổi trong việc lựa chọn tổ hợp môn khiến học sinh và các trường học lúng túng. Chẳng hạn như việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ, các trường không đáp ứng được 100% nguyện vọng của học sinh, học sinh có nguyện vọng đổi tổ hợp môn sau khi bắt đầu năm học được 1 thời gian,...
Chính vì vậy, sang năm mới 2023, cô Văn Thùy Dương - Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) mong muốn sẽ có thêm thật nhiều hướng dẫn để thầy trò lớp 9 thực hiện việc thi tuyển, chọn tổ hợp môn thật dễ dàng, thuận tiện.
"Hy vọng trong năm mới, dưới sự chỉ đạo của Bộ GDĐT, các cơ quan ban ngành liên quan, ngành giáo dục sẽ có những bước đi đúng hướng, khắc phục những hạn chế, bất cập, góp phần phát triển giáo dục nước nhà.
Tất cả cũng vì người học, để các em học sinh được an tâm lựa chọn, học tập theo đúng sở trường của mình" - cô Dương nói.
Kỳ vọng về năm mới với nhiều điều tốt đẹp
Cô Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ, xây dựng nội dung học tập gắn với trải nghiệm đã được nhà trường triển khai nhiều năm qua.
Cụ thể, ngoài các tiết học trải nghiệm, dự án học tập, nhà trường còn xây dựng tuần lễ trải nghiệm vào 2 tuần cuối cùng của học kỳ (tuần 19 và 35). Nội dung, chủ đề cụ thể sẽ thay đổi theo từng ngày, gắn liền với lí thuyết và những hoạt động thực tiễn.
"Những hoạt động trải nghiệm đem lại niềm vui, hứng khởi học tập cho học sinh, giúp các em say mê với việc học, được tham gia vào thực tiễn và sẽ nhớ kiến thức rất lâu.
Hy vọng sang năm mới 2023, nhà trường sẽ có rất nhiều điểm khởi sắc, điểm mới trong dạy học, đem lại nhiều giá trị cho người học" - cô Kim Anh chia sẻ.