Sau 12 năm đèn sách, các em chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng của đời học sinh. Chính điều này tạo áp lực từ việc ôn tập, thi thử, điểm số và cả sự kỳ vọng của gia đình về tương lai.
Một học sinh lớp 12 ở TP Bạc Liêu bộc bạch: “Để chuẩn bị cho kỳ thi tới, không chỉ riêng em mà hầu hết các bạn luôn trong thế sẵn sàng từ việc ôn thi, tự luyện, chuẩn bị tốt về kiến thức, sức khỏe, tâm lý… Nhưng dù có tự tin cách mấy, cũng không tránh khỏi lo lắng. Chúng em sợ mình ôn không đủ tốt, sợ mình thiếu thời gian, sợ bản thân thất bại… Có lúc, bản thân không biết phải bắt đầu từ đâu; cảm thấy lúng túng khi gặp những câu hỏi khó; sợ bản thân có ôn kỹ cũng không đỗ như mong muốn vì kém may khi làm bài…”.
Bị ảnh hưởng bởi xu hướng số đông, với nhiều phụ huynh ngày nay, việc con trượt các kỳ thi được xem là một thất bại lớn. Do đó, trong hầu hết các kỳ thi, nhất là thi tốt nghiệp, phụ huynh luôn đặt kỳ vọng con em mình sẽ đạt kết quả thật cao, sẽ trúng tuyển vào trường đại học mà mình mong muốn, nên đôi lúc chẳng để tâm đến nguyện vọng, ước mơ của con em mình.
Để giảm áp lực tâm lý cho học sinh, trong giai đoạn ôn thi nước rút, phụ huynh và nhà trường nên quan tâm giải quyết vấn đề từ gốc rễ bằng việc động viên, chia sẻ khó khăn mà học sinh đang gặp phải trong quá trình học tập, ôn luyện. Qua đó, sớm nhận ra những vấn đề tâm lý đang tồn tại để có biện pháp tác động, can thiệp một cách kịp thời.
Thầy Trần Quang Điện - Phó Hiệu trưởng phụ trách quản lý, điều hành Trường THPT Võ Văn Kiệt, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Song song với việc đảm bảo tốt kế hoạch ôn thi, lãnh đạo, giáo viên trường còn đặc biệt quan tâm đến tâm lý, sức khỏe của học sinh, nhất là ở giai đoạn ôn thi nước rút. Chúng tôi còn phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để kịp thời nắm bắt tâm lý, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc mà các em đang gặp phải để tháo gỡ kịp thời, không để học sinh cuối cấp phải chất chồng áp lực trước kỳ thi”.