Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), kết thúc đợt đăng ký xét tuyển đại học đợt 1, có khoảng hơn 300.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học. Con số này chiếm gần một phần ba tổng số thí sinh đã dự thi tốt nghiệp THPT.
Là một trong số hơn 300.000 thí sinh không đăng kí bất kỳ nguyện vọng xét tuyển đại học nào, Lê Ngọc Ánh - học sinh Trường THPT Kỳ Lâm (Hà Tĩnh) cho biết, em sẽ học tiếng để đi xuất khẩu lao động. Lựa chọn này của Ánh là mong ước được “đổi đời” vì gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn.
"Từ bỏ đăng ký xét tuyển vào đại học hoàn toàn do em quyết định và.không chịu bất cứ sự tác động nào từ gia đình, thầy cô hay bạn bè. Em nghĩ, chỉ có xuất khẩu lao động mới có thể giúp em thoát nghèo và chia sẻ gánh nặng kinh tế với mẹ” - Ngọc Ánh bộc bạch.
Mặc dù được đánh giá là học sinh giỏi, năm nào cũng nhận được học bổng hỗ trợ từ nhà trường, Ngọc Ánh chấp nhận từ bỏ con đường vào học đại học. Em xác định, học đại học thì không thể chi trả số tiền học phí cũng như sinh hoạt hàng tháng.
“Em là người không ngại vất vả, đi xuất khẩu lao động cũng là cách kiếm tiền chân chính đồng thời còn đỡ đần được mẹ và các em. Thay vì cứ cố chấp học đại học theo mong muốn bản thân mà mọi người phải chạy vạy khắp nơi thì em sẽ chọn đi xuất khẩu lao động. Em dự tính đi xuất khẩu lao động 4 - 5 năm rồi sau đó trở về xin một công việc gần nhà để làm” - Ngọc Ánh nói.
Không riêng Ngọc Ánh từ chối bước vào cánh cổng trường đại học, em Trịnh Thuỳ Linh - học sinh Trường THPT C Bình Lục (Hà Nam) cũng lựa chọn con đường du học theo hệ vừa học vừa làm.
Lý do em đưa ra, một phần là nhìn vào thực tế nhiều anh chị khoá trước tốt nghiệp đại học ra khó xin việc. Phần nữa, là nữ sinh đánh giá, năng lực học tập của mình không quá nổi trội, khó có cơ hội thi đỗ vào các trường đại học top đầu. Với các trường đại học tầm trung, cơ hội việc làm lại càng khó khăn hơn.
“Các trường đại học danh tiếng thì em không thi được. Còn nếu chỉ muốn học đại học ở các trường loại khá thì điều đó đơn giản. Nhưng học xong mà không xin được việc thì rất phí phạm công sức và tiền bạc. Do đó, em đã quyết định học tiếng để đi du học” - Thuỳ Linh bày tỏ.
Sau nhiều ngày cân nhắc, nữ sinh đã chọn con đường du học Đức với ngành Quản trị khách sạn. Vừa học lý thuyết lẫn thực hành sẽ khiến em có thêm kinh nghiệm và ứng dụng thực tế.
“Em đã đăng kí học tiếng được 1 tháng. Lựa chọn sang Đức sẽ giúp em mở rộng cơ hội việc làm hơn thị trường trong nước. Em thấy có không ít bạn trẻ chỉ với học nghề hoặc tự học có thể khởi nghiệp thành công. Dù bạn học gì đi chăng nữa thì việc học cũng để phục vụ cho công việc sau này” - Thuỳ Linh tâm sự.
Khác với Ánh và Linh, em Lục Gia Hưng - học sinh Trung tâm GDNN-GDTX Kim Sơn (Quảng Ninh) không chọn học đại để đi xuất khẩu lao động.
Trước mắt, Hưng sẽ đăng kí tham gia một lớp học nghề chuyên sâu có liên quan tới nghề nghiệp khi học ở trung tâm.
“Tốt nghiệp THPT cũng là lúc em đủ 18 tuổi - độ tuổi đủ trưởng thành và em cần có trách nhiệm với các quyết định của mình. Cánh cổng trường đại học đã từng là ước mơ của em nhưng nó không phải là con đường duy nhất để giúp em tự tin vào đời. Em sẽ xin tiền bố để học chuyên sâu một ngành nghề phù hợp với mình” - Hưng tâm sự.