Những ngày qua, đã có nhiều ý kiến tranh cãi về sự việc xảy ra tại lớp 6G, Trường THCS Minh Khai (Thanh Hóa). Một nam sinh quên đeo khăn quàng đỏ, khiến lớp bị trừ điểm thi đua, đã bị cô giáo chủ nhiệm phạt, yêu cầu nam sinh này phải mua 10 chiếc khăn quàng đỏ để nộp.
Nam sinh có ý định tiết kiệm tiền ăn sáng để mua nộp phạt cho cô giáo. Tuy nhiên, khi học sinh chưa kịp dành đủ tiền mua khăn quàng đỏ thì bị cô giáo tiếp tục phạt bằng hình thức phải ngồi học dưới đất.
Cả hai hình phạt của giáo viên đều chưa nhân văn. Tuyệt đối không nên phạt bằng bất cứ hình thức gì liên quan tới tiền, khi học sinh chưa làm ra tiền. Cũng không nên áp dụng hình phạt làm ảnh hưởng tới việc tiếp thu bài của học sinh.
Nhiều ý kiến cũng đã chỉ ra rằng, phụ huynh có thể góp ý trực tiếp với cô giáo, với nhà trường, thay vì bắt con dàn dựng lại cảnh bị phạt để chụp ảnh, lấy tư liệu chia sẻ trên mạng xã hội, làm câu chuyện trở nên ầm ĩ.
Theo Thạc sĩ Bùi Thị Kim Tuyến - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và phát triển tiềm năng con người, phụ huynh nên thông cảm hơn với giáo viên, không phải vấn đề nào cũng quan trọng hóa, rồi đưa lên mạng để chỉ trích. Vì giáo viên bây giờ thực sự rất áp lực, chịu sức ép tứ đủ phía.
Trong câu chuyện này, giáo viên còn thêm một áp lực là phải chạy theo thành tích, các phong trào thi đua.
Năm 2006, ngành giáo dục có phong trào "Nói không với bệnh thành tích trong giáo dục", nhưng năm nào cũng vậy, khi bước vào năm học mới, nhiều trường tổ chức hội nghị công nhân viên chức nhà trường và giao chỉ tiêu đến từng giáo viên. Dù muốn hay không, giáo viên bị cuốn vào “guồng”, phải thực hiện những chỉ tiêu được ấn định từ cấp trên đưa xuống.
Không thi đua thì không thể có sự phát triển, nhưng có những phong trào thi đua chỉ chạy theo số lượng thì vô tình đang đẩy giáo viên tới rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
TS Vũ Thu Hương – giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – đã từng thẳng thắn cho rằng, bệnh thành tích đã ngấm vào từng cá nhân phụ huynh, giáo viên, cán bộ ngành giáo dục như một quan niệm, dù biết sai nhưng vẫn làm.
Theo quan điểm của Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm, quản lý giáo dục của Việt Nam chủ yếu bằng thi đua mà thi đua rất hình thức, dẫn đến bệnh thành tích.
Việc tồn tại nhiều cuộc thi, phong trào mang tính hình thức chỉ khiến giáo viên thêm áp lực, không còn thời gian nào để sáng tạo nữa.