Vì sao thành lập trường?
Liên quan đến quyết định thành lập trường liên cấp trong trường Đại học Hồng Đức, ngày 14.3, trao đổi với Lao Động, ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, trước khi ban hành quyết định trên, nhà trường và các sở ngành đã có đề án và đánh giá tính khả thi khi thành lập trường.
Cũng theo ông Tùng, việc thành lập trường liên cấp trong Trường Đại học Hồng Đức trước hết là do trường này có thế mạnh đào tạo ngành sư phạm từ xưa đến nay. Ngoài ra, căn cứ vào nhu cầu thực tế khi số lượng học sinh các cấp ngày một tăng, đặc biệt trên địa bàn TP.Thanh Hóa.
Bên cạnh đó, khi trường liên cấp mở ra, sẽ tạo nhiều cơ hội cho các sinh viên ngành sư phạm trong Trường Đại học Hồng Đức được thực hành, tiếp xúc sớm với công tác giảng dạy.
Một số người cho rằng, cách đây không lâu Trường Đại học Hồng Đức dừng tuyển sinh 4 ngành đào tạo sư phạm trình độ chất lượng cao (gồm Sư phạm Toán, Vật lý, Ngữ văn và Lịch sử), nay lại mở trường liên cấp trong trường là để giải quyết vấn đề việc làm cho các sinh viên ngành chất lượng cao (đã đào tạo ra trường).
Về việc này, ông Đầu Thanh Tùng khẳng định, 2 vấn đề trên là hoàn toàn không liên quan đến nhau.
Vì hiện nay, vấn đề hỗ trợ việc làm cho sinh viên 4 ngành sư phạm chất lượng cao của Trường Đại học Hồng Đức (sau khi ra trường), UBND tỉnh Thanh Hóa đang giao cho Sở GDĐT rà soát lại nhu cầu ở tất cả các trường THPT trên địa bàn tỉnh, kể cả trường THPT dân lập, từ đó mới xây dựng kế hoạch tuyển dụng.
Còn đối với nhân sự khi thành lập trường liên cấp trong Trường Đại học Hồng Đức thì cần giáo viên dạy từ bậc tiểu học đến bậc THPH và phải là người có kinh nghiệm và giảng dạy chuyên sâu.
Cũng theo ông Tùng, thành lập trường liên cấp trong Trường Đại học Hồng Đức hướng tới mục tiêu lâu dài, duy trì và mở rộng quy mô theo nhu cầu của xã hội.
Còn việc đào tạo 4 chuyên ngành sư phạm chất lượng cao ở Trường Đại học Hồng Đức, là do thời điểm đó khó thu hút sinh viên sư phạm, nên mở các chuyên ngành này để thu hút học sinh có kết quả đầu vào cao, nhằm đào tạo giáo viên THPT có chất lượng, đáp ứng nhu cầu giáo viên THPT trên địa bàn toàn tỉnh. “2 vấn đề trên là khác hoàn toàn nhau về mục đích” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ.
Dừng tuyển sinh ngành chất lượng cao
Trước đó, như Lao Động đã thông tin, từ năm 2023, Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) sẽ dừng tuyển sinh 4 ngành đào tạo sư phạm trình độ chất lượng cao gồm Sư phạm Toán, Vật lý, Ngữ văn và Lịch sử.
Về vấn đề này, ông Bùi Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cho biết, trong giai đoạn 2010-2017, nhu cầu tuyển dụng giáo viên ít nên học sinh khá, giỏi hầu như không đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên.
Do đó, Trường Đại học Hồng Đức đã xây dựng “Đề án đào tạo chất lượng cao”, theo Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về quy định đào tạo chất lượng cao, sau đó được Bộ GD&ĐT xác nhận, đề án đào tạo chất lượng cao 4 ngành trình độ đại học (gồm các ngành Sư phạm Toán học, Vật lý, Ngữ văn và Lịch sử).
Đề án được triển khai từ năm 2018 đến 2022, tuy nhiên, từ khi Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm có hiệu lực, đã thu hút được nhiều học sinh khá, giỏi đăng ký học các ngành sư phạm.
Từ đó, nhà trường nhận thấy đề án đào tạo các ngành chất lượng cao này đã hoàn thành sứ mệnh. Vậy nên, từ năm 2023, Trường Đại học Hồng Đức quyết định dừng tuyển sinh 4 ngành đào tạo trình độ đại học chất lượng cao trên.