Đề thi chưa đạt tiêu chuẩn
Thưa TS Lê Viết Khuyến, ông đánh giá thế nào về kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2017 khi mà tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của hầu hết các địa phương đều đạt gần 100%?
- Từ năm 2016 đến nay, Bộ GDĐT thực hiện không có kỳ thi tuyển sinh vào đại học mà chỉ còn một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Vấn đề điểm số thể hiện ở việc ra đề thi ra như thế nào để kết quả tốt nghiệp THPT phù hợp, phản ánh đúng tình hình thực tế.
Để nhìn nhận đề thi có đạt tiêu chuẩn hay không, phải dựa vào phổ điểm. Phổ điểm dạng hình chuông úp xuống, đều cả 2 bên thể hiện tính chuẩn mực của đề thi và là dấu hiệu chỉ ra đó là đề thi tiêu chuẩn. Tuy nhiên, nhìn qua phổ điểm thi THPT quốc gia năm 2017 cho thấy, phổ điểm hầu hết các môn thi đều không đạt đối xứng, thậm chí là méo mó.
Đơn cử như môn Giáo dục công dân, đỉnh phổ điểm lệch hẳn về bên phải, trong khi đó, môn Tiếng Anh lại lệch về bên trái. Từ đó cho thấy, mặc dù bộ phận làm đề thi năm nay đã rất nỗ lực, cố gắng song để đề thi đạt tiêu chuẩn cần phải đầu tư nhiều hơn nữa và đề thi phải được thử nghiệm trên số lượng học sinh lớn hơn bởi nếu đề thi thực sự chuẩn hóa, sẽ không xảy ra tình trạng gần 100% học sinh đỗ tốt nghiệp.
Theo ông, với một kỳ thi tiêu chuẩn và đề thi chuẩn hóa, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hợp lý sẽ nằm ở mức bao nhiêu phần trăm?
- Tỷ lệ tốt nghiệp của kỳ thi tiêu chuẩn với đề thi thực sự chuẩn hóa là có khoảng 70-80% thí sinh đạt chuẩn. Đây cũng là tỷ lệ phổ biến tại các nước áp dụng đề thi chuẩn hóa. Điều này là hoàn toàn phù hợp bởi với kết quả đó, các em sẽ có thêm động lực học tập để vượt qua kỳ thi.
Vậy cần làm thế nào để có một kỳ thi tiêu chuẩn với đề thi chuẩn hóa, thưa ông?
- Chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều đó. Vấn đề là chúng ta có thực sự muốn làm hay không vì bệnh thành tích đã ăn sâu, bám rễ quá lâu rồi.
Bệnh thành tích đã ăn sâu, bám rễ quá lâu trong nếp nghĩ, cách làm của người Việt khiến kết quả thi luôn ở mức cao (Ảnh: Hải Nguyễn) |
Số điểm 10 tăng lên là dễ hiểu
Không chỉ tỷ lệ đỗ tốt nghiệp quá cao, việc xuất hiện quá nhiều điểm 10 trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 vừa qua cũng đã khiến không ít người tỏ ra hoài nghi về kết quả của kỳ thi. Theo ông, lo ngại trên là có cơ sở hay không?
- Do năm nay phương thức thi thay đổi, việc thi trắc nghiệm theo đề thi tiêu chuẩn nên số lượng điểm 10 tăng lên cũng là dễ hiểu.
Với gần 6 triệu bài thi và chỉ có khoảng hơn 4.000 điểm 10 như năm nay cũng không phải là một tỷ lệ quá cao. Điều này không phải là dị thường mà chỉ là khác thường một chút. Với đề thi chuẩn hóa, phổ điểm phân bố theo hình chuông, tỷ lệ điểm tuyệt đối sẽ cao lên.
Ở các nước thi trắc nghiệm cũng thế, số lượng điểm 10 cao hơn so với thi tự luận. Tuy vậy, trong trường hợp nếu số lượng điểm 10 tăng lên quá đột biến thì cũng có nghĩa là đề thi vẫn chưa thực sự chuẩn hóa.
Chúng ta cũng không nên so sánh số điểm 10 năm nay với các năm trước. Bởi so sánh như thế là khập khiễng vì thước đo của hai kỳ thi là khác nhau. Việc nhìn vào điểm số để hoài nghi chất lượng của kỳ thi cũng là điều không nên.
Nhiều người đề xuất nên bỏ mục đích thi để xét tốt nghiệp THPT. Ông nghĩ sao về đề xuất này?
- Để làm được điều này, mức độ đánh giá của các trường phải tương đương nhau, tức là toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông đã được kiểm định, gắn chặt với chuẩn đầu ra, hoàn toàn không có chuyện trường này đánh giá lỏng còn trường kia đánh giá chặt. Muốn bỏ thi tốt nghiệp thì buộc phải có hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông, hình thành văn hóa chất lượng bám chặt vào chuẩn đầu ra. Trong khi đó, hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục của chúng ta hiện đang mới làm ở bậc đại học, phổ thông chưa biết đến bao giờ.
Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp, thả lỏng hoàn toàn cho các trường thì các địa phương sẽ đua nhau giữ thành tích, chắc chắn sẽ gây rối loạn và bất ổn. Do vậy, giải pháp tối ưu hơn cả là nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia bằng cách tiếp tục hoàn thiện đề thi đạt được mức độ chuẩn hóa thực sự.
Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm 2020, dự kiến thi tốt nghiệp sẽ do các trường tự xét. Theo ông, điều nay liệu có khả thi?
Tôi cho rằng, ý tưởng này có phần hoang đường. Thử hỏi, chỉ còn hơn 2 năm nữa là đã đến năm 2020, với thời gian ngắn như thế làm sao Bộ GDĐT hình thành được hệ thống kiểm định giáo dục phổ thông, hình thành văn hóa chất lượng và dẹp bỏ được bệnh thành tích vốn ăn sâu nhiều năm trong giáo dục Việt Nam. Nếu chưa làm được những chuyện đó thì khoan vội nói đến chuyện bỏ kỳ thi tốt nghiệp.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!