Những ngày gần đây, sự việc một học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Quang Trung (Ngô Quyền, Hải Phòng) phải đứng ngoài cổng trường giữa trời nắng vì đi học sớm. Chưa kể, giáo viên nhà trường còn chụp ảnh các học sinh đi học muộn phê bình trong nhóm phụ huynh học sinh,... đã gây bức xúc dư luận.
Về sự việc này, ông Đặng Hoa Nam-Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, giáo viên này đã vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em. Dù các em còn ít tuổi, nhưng đều cần được tôn trọng.
“Trong khi giáo viên ngồi phòng hội đồng mát lạnh, có điều hòa, học sinh lại phải đứng ngoài cổng trường lúc nắng nóng. Cách hành xử này quá cứng nhắc, làm xấu đi hình ảnh của người thầy trong xã hội luôn hết lòng vì học sinh"-ông Nam nói.
Theo Cục trưởng Cục Trẻ em, các em còn rất nhỏ, thầy cô cần quan tâm nhiều hơn. Mỗi cháu có một hoàn cảnh khác nhau, đáng ra cô giáo nên tìm hiểu vì sao cháu lại phải đi học sớm. Đặc biệt trong mùa dịch COVID-19.
Ông Nam cho rằng, hành động của giáo viên không chỉ xuất phát từ thiếu sự cảm thông với trẻ, mà hơn hết còn biểu hiện sự thiếu kỹ năng và hiểu biết về quyền trẻ em.
Cục trưởng Cục trẻ em cho biết, trong kế hoạch tăng cường các giải pháp ngừa xâm hại trẻ em, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao triển khai giáo dục tích cực cho giáo viên trong trường học, tức phương pháp giáo dục có kỷ luật nhưng không có bạo lực. Bên cạnh đó, phương pháp giáo dục cần sự trên quyền trẻ em, tôn trọng trẻ em.
“Tôi cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm triển khai phương pháp giáo dục tích cực trong các trường sư phạm và cập nhật quyền trẻ em cho chính những giáo viên đang đứng lớp"-ông Nam nói.
Theo ông Nam, đặc biệt là những nguyên tắc như lợi ích tốt nhất cho trẻ, tôn trọng lắng nghe ý kiến của trẻ. Nếu có nhận thức tốt hơn về quyền trẻ em sẽ hạn chế những sự việc không mong muốn trong ngành giáo dục.
Trước đó, chiều 21.5, lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng đã xuống trường Tiểu học Quang Trung, làm việc với Ban Giám hiệu nhà trường, phụ huynh học sinh để làm rõ sự việc.
Ông Nguyễn Văn Tùng-Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng kết luận: Trong vụ việc này, giáo viên chủ nhiệm đã nóng vội trong việc phê bình học sinh, đưa lên nhóm zalo. Ngay sau khi xảy ra sự việc, nhà trường đã thực hiện nghiêm túc các công việc cần thiết, thể hiện sự cầu thị; tuy nhiên, đề nghị nhà trường thay đổi quy cách làm việc, linh hoạt trong giờ giấc cho học sinh vào trường.
Ông Nguyễn Văn Tùng yêu cầu: "Xét tình hình thực tế của trường, đề nghị Chủ tịch UBND quận chỉ đạo, rà soát lại việc kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của cô giáo chủ nhiệm và nhà trường. Trình tự thủ tục, quy chế, với sự việc thế này, xem xét trách nhiệm của cô giáo chủ nhiệm đến đâu, trách nhiệm nhà trường đến đâu. Đề nghị quận xem xét, báo cáo UBND thành phố trong 3 ngày tới. Nhà trường cần có sự linh hoạt, chia sẻ với các trường hợp phụ huynh có hoàn cảnh, điều kiện khó khăn trong việc đưa đón con".