Theo thống kê, năm học 2021 - 2022, huyện Văn Yên có hơn 450 em học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở không còn được hưởng chính sách bán trú, thuộc các xã Xuân Tầm, Lâm Giang, Tân Hợp.
Trong số này không ít học sinh nhà ở xa trường đến cả chục cây số, điều kiện kinh tế hạn hẹp, không thể lo cho con em đi học.
“Để thuyết phục các học sinh đến trường, các thầy cô giáo phải đi từng bản, từng nhà làm công tác tư tưởng với từng bậc phụ huynh. Trong đó, câu chuyện tháo gỡ khó khăn về kinh tế đối với các gia đình được bàn nhiều nhất” - thầy Dương Cao Thủy (Hiệu trưởng Trường THCS Lâm Giang, xã Lâm Giang) chia sẻ.
Bà Lý Thị Nỏn (thôn Khay Dạo) đang nuôi 3 cháu nhỏ. Biết tin các cháu không còn được ở bán trú, bà lo lắng lũ trẻ không thể tới trường.
Thầy Nguyễn Trọng Hiệp, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lâm Giang đã phải đến tận nhà phân tích cùng gia đình. Thầy Hiệp đề xuất cho cháu lớp 2 ăn, ở tại trường, thầy cô chăm sóc. Còn cháu lớp 4 và lớp 6, nhà trường sẽ vận động xin cho mỗi cháu một chiếc xe đạp vì đường từ nhà tới trường dài hơn 5km.
Ông Đào Xuân Quý – Trưởng thôn Khe Nhầy, xã Châu Quế Thượng chia sẻ: “Ngay khi nắm bắt thông tin, chúng tôi đã có những buổi tập huấn tại huyện để học tập, quán triệt, triển khai nội dung Quyết định 861 một cách đúng đắn nhất đến bà con nhân dân, giúp mọi người hiểu, tin, theo”.
Theo ông Quý, vấn đề khó khăn nhất đối với các gia đình là câu chuyện về kinh tế, trước đây các cháu được học bán trú, miễn giảm học phí. Nay phải chi trả hoàn toàn các chi phí, việc tuyên truyền, thuyết phục các hộ gia đình này cho con cái đi học sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
"Đối với những hộ khó khăn, thôn cũng đã phối hợp cùng nhà trường đến tuyên truyền, vận động. Các bên cùng ngồi thảo luận, tháo gỡ khúc mắc để giúp các em học sinh được đến trường", ông Quý chia sẻ.
Bà Lã Thị Liền – Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: “Văn Yên xác định không để học sinh nào không được đến trường vì những khó khăn do tác động của Quyết định 861, 433. Chúng tôi cũng xác định đây là cơ hội để khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của mỗi người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên khắc phục khó khăn, loại bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước”.
Trước những khó khăn đó, ông Đào Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở GDĐT cho biết: "Trước mắt ngành phát động phong trào "tương thân, tương ái" nhằm giúp đỡ học sinh vùng dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2025 với phương châm “trường hỗ trợ trường; lớp hỗ trợ lớp; học sinh ở vùng có điều kiện thuận lợi giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vùng dân tộc thiểu số”; vận động các thầy cô giáo trong ngành ủng hộ sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn”.
Ngoài ra, ngành cũng đã phối hợp với cơ quan chức năng rà soát các trường không còn đủ điều kiện là trường phổ thông dân tộc bán trú, trường không còn học sinh bán trú, xây dựng kế hoạch sử dụng cơ sở vật chất của các trường đảm bảo thiết thực, hiệu quả.