Đến nút giao Cổ Linh - đường dẫn cầu Vĩnh Tuy, anh Nguyễn Hoàng Linh (32 tuổi, Phúc Đồng, Long Biên) rẽ phải vòng qua trụ đèn tín hiệu, sau đó lại đánh lái sang trái để lách vào dòng người đang ùn ùn di chuyển lên cầu Vĩnh Tuy. Ở các đoạn đường tiếp theo, anh leo lên vỉa hè để di chuyển.
Đây là cách anh đã thực hiện cả năm nay để ứng phó với "điểm đen" ùn tắc của khu vực này.
Quãng đường đi làm của anh khoảng 11 km - từ Phúc Đồng đến đường Tam Trinh. Vào mỗi giờ cao điểm, anh mất gần 40 phút để di chuyển và vị trí nút giao thông Cổ Linh là nơi làm anh mất thời gian nhất.
"Mật độ phương tiện đổ từ Long Biên vào nội thành rất lớn, trong khi cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 chưa hoàn thiện, tạo nút thắt cổ chai, khiến việc đi làm của tôi rất khó khăn, bất tiện" - anh Linh nói.
Anh Linh chỉ là một trong rất nhiều trường hợp đang phải chịu cảnh tắc đường. Chị Trần Thị Hoài (23 tuổi, Thạch Bàn, Long Biên) cho biết: "7h30 - 8h là khung giờ tắc đường nhất, kể cả trên cầu Vĩnh Tuy lẫn nút giao Cổ Linh" - chị Hoài nói và cho biết, đây là con đường đi làm ngắn nhất, nhưng cũng là con đường tiêu tốn nhiều thời gian nhất của chị. Đặc biệt nút giao Cổ Linh - đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy luôn khiến chị mất 15-30 phút mỗi ngày.
Theo ghi nhận của Lao Động, vào giờ cao điểm sáng, tại nút giao thông Cổ Linh - đường dẫn cầu Vĩnh Tuy, xuất hiện tình trạng ùn tắc cục bộ. Thêm vào đó, khung cảnh giao thông càng hỗn loạn, khi nhiều người dân bất chấp vượt đèn đỏ dù đã có sự phân luồng của cảnh sát giao thông.
Vì vậy, việc Hà Nội xây hầm chui tại khu vực này được kỳ vọng sẽ làm giảm ùn tắc vào các khung giờ cao điểm.
Hầm chui dự kiến xây dựng tại nút giao Cổ Linh - đường dẫn lên cầu Vĩnh Tuy có kết cấu bê tông cốt thép theo hướng Vĩnh Tuy - Long Biên và ngược lại.
Phần xây lắp gồm hầm kín, hầm hở, tường chắn hai bên, đường dẫn và gờ chắn ở hai đầu xuống hầm.
Chiều dài hầm dài khoảng 500 m, chiều rộng mặt cắt ngang mỗi chiều hầm khoảng 7,75 m (tương đương 2 làn xe cơ giới mỗi chiều đường).
Hồ sơ, thông số thiết kế hầm và chức năng sử dụng được yêu cầu như các hầm chui đã đưa vào sử dụng: Lê Văn Lương, Trung Hòa, Thanh Xuân.
Sau khi hầm thông xe, nút giao Cổ Linh - đường dẫn cầu Vĩnh Tuy sẽ là nút giao có 3 tầng đường gồm cầu vượt, đường ở nút giao hiện hữu và hầm chui.
Hiện trên địa bàn TP Hà Nội đang có tổng cộng 4 hầm chui đã đưa vào sử dụng, một hầm chui đang xây dựng. 4 hầm chui đã đưa vào sử dụng tại 4 nút giao thông lớn gồm Kim Liên, Trung Hòa, Thanh Xuân, Lê Văn Lương, một hầm đang xây dựng là hầm trên đường Vành đai 2,5 tại nút giao Giải Phóng - Kim Đồng.