Lộ thông, cơ hội đến
Thành phố biên giới Móng Cái vào những ngày cuối tuần kể từ khi cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được đưa vào sử dụng ngày 1.9.2022 luôn tấp nập du khách thập phương.
Có những ngày cao điểm, thành phố không còn phòng khách sạn, du khách cũng phải rất vất vả mới kiếm được chỗ ăn.
Du khách từ Hà Nội kéo về cũng khá đông, bởi họ muốn trải nghiệm tuyến đường cao tốc thứ 3 của Quảng Ninh và bởi từ Hà Nội đi Móng Cái giờ chỉ mất 3-4 tiếng nhờ trục cao tốc thông suốt từ Thủ đô tới thành phố biên giới Móng Cái.
Các khách sạn, khu homestay ở huyện biên giới Bình Liêu – cũng đã được du khách đặt hết phòng vào những ngày cuối tuần từ tháng 9.2022.
Khi chưa có tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, du khách thập phương chỉ tập trung vào Hạ Long và cùng lắm thì đến Bình Liêu, bởi chỉ từ Hạ Long đi Móng Cái trên con đường độc đạo dài khoảng 160km – Quốc lộ 18 cũng mất khoảng 3 tiếng vì đường nhỏ hẹp, nhiều đèo, dốc và khúc cua.
Giờ đây, ngay cả du khách từ Hà Nội cũng có thể thong dong đi du lịch Móng Cái và trở về trong ngày.
Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, dài hơn 80km, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương đầu tiên có trục cao tốc dài nhất cả nước (176km), mở ra những không gian phát triển mới cho Quảng Ninh, trong đó có du lịch.
Ngoại trừ Hạ Long, thì ở mỗi địa phương mà trục cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái đi qua đều có những tài nguyên du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước, như vịnh Bái Tử Long, các tuyến đảo du lịch ở Vân Đồn, rừng ngập mặn Đồng Rui ở huyện Tiên Yên, đảo Cái Chiên của huyện Hải Hà.
Đặc biệt nhất vẫn là Bình Liêu - nơi được ví là “Sapa của Quảng Ninh” và Móng Cái, với bãi biển Trà Cổ, đảo Vĩnh Thực cùng các hoạt động giao thương sôi động…
Thời điểm chưa có dịch COVID-19, có những ngày cao điểm, lượng du khách Trung Quốc nhập cảnh vào qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái lên tới cả vạn người. Du khách tràn ngập khắp Móng Cái và Hạ Long, với những chuyến xe khách nườm nượp, nối dài trên Quốc lộ 18.
Đó là chưa kể hàng nghìn tiểu thương Trung Quốc xuất-nhập cảnh hằng ngày qua đây để sang Móng Cái buôn bán ở khu chợ Vinh Cơ nổi tiếng.
Cao tốc du lịch
Với việc thông suốt từ Hà Nội đi Móng Cái hoàn toàn bằng cao tốc hiện đại, lượng khách đổ về các tuyến, điểm du lịch nằm dọc trên trục cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái được dự đoán là sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Đặc biệt, nếu Trung Quốc bỏ chính sách “zero COVID”, lượng khách xuất nhập cảnh qua Móng Cái sẽ tăng đột biến, ở cả hai chiều.
Đại diện Công ty du lịch Hồng Gai – đơn vị từng phối hợp tổ chức thí điểm cho xe tự lái từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái – hy vọng rằng, khi Trung Quốc nới lỏng chính sách “zero COVID-19”, lượng khách đăng ký tour đặc biệt này sẽ tăng mạnh.
Theo ông Nguyễn Thế Huệ – Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Ninh – giao thông thuận tiện, chắc chắn không chỉ du khách đến nhiều, mà còn sẽ chi tiêu nhiều vì được đi nhiều nơi, ăn uống, vui chơi nhiều chỗ.
Ngay sau khi tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được đưa vào sử dụng, UBND tỉnh Quảng Ninh đã họp nghe báo cáo phương án thúc đẩy hoạt động du lịch dọc tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái.
Theo phương án của Sở Du lịch Quảng Ninh, dự kiến sẽ phát triển sản phẩm du lịch trên cả hai hướng: Hình thành các sản phẩm du lịch theo chủ đề về sản phẩm dọc tuyến và hình thành các sản phẩm đặc thù, riêng có của từng địa phương trên tuyến.
Các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch bám sát tài nguyên du lịch của tỉnh. Trong đó, tâm linh, văn hóa, lịch sử, gốm sứ mỹ nghệ, du lịch đồng quê… tại thị xã Quảng Yên và TP.Uông Bí. Tại khu vực TP.Hạ Long sẽ khai thác giá trị vịnh Hạ Long, nghỉ dưỡng, sinh thái trên các đảo; du thuyền tham quan, thương mại, mua sắm, MICE…).
Khu vực Vân Đồn và Cẩm Phả tập trung vào nghỉ dưỡng, ẩm thực biển, du thuyền tham quan…). Tại các huyện Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà sẽ ưu tiên cho du lịch sinh thái, cộng đồng, trải nghiệm. Trong khi đó, tại TP.Móng Cái sẽ phát triển vui chơi, giải trí, ẩm thực biển, MICE, casino...
Theo tính toán, việc xây dựng “con đường du lịch” này có thể tạo ra tăng trưởng thêm cho hoạt động du lịch từ 15-20%.
Bà Nguyễn Thị Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – yêu cầu Sở Du lịch cần lắng nghe ý kiến của các đơn vị để hoàn thiện phương án, rút gọn các sản phẩm đặc trưng để xây dựng điểm đến cụ thể, tour tuyến phù hợp, hình thành các gói combo để đáp ứng các phân khúc và yêu cầu của các đối tượng du khách. Thời gian tới, Sở Du lịch cần sớm tổ chức chương trình hội thảo để các đơn vị, sở, ngành, lữ hành, kinh doanh du lịch đóng góp ý kiến và đưa ra giải pháp.