Ám ảnh xe tự chế
Cách đây ít ngày, chị Nguyễn Thị Hoài (ngụ Quận 3, TPHCM) chứng kiến chiếc xe máy kéo theo xe thô sơ chở hàng cồng kềnh bị tuột dây buộc. Chiếc xe thô sơ chất đầy hàng hóa sau đó lao sang bên kia đường và đâm vào người đi đường phía đối diện.
“Vụ va chạm rất may không gây ra thiệt hại về người, nhưng cũng khiến những người chứng kiến như tôi hoang mang, lo sợ” - chị Hoài nói.
Người phụ nữ 33 tuổi cho hay, những chiếc xe tự chế chở hàng cồng kềnh không kể ở đường vắng người hay đông đúc, lái xe vẫn vô tư cho xe chạy. Không ít lần, chị suýt đâm vào các xe này vì không biết lái xe rẽ hướng nào.
"Nguy hiểm không chỉ cho người đi xe máy, xe đạp mà cả những phương tiện khác vì bị xe tự chế chở hàng che khuất tầm nhìn” - chị Hoài phản ánh.
Còn anh Lê Văn Sơn (37 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) cho hay, phần lớn các loại hàng hóa được vận chuyển bằng xe kéo, xe tự chế thường không đủ các yếu tố đảm bảo an toàn khi lưu thông trên đường.
Một khi điều khiển phương tiện chở hàng cồng kềnh phía trước, gây khuất tầm nhìn của những người tham gia thông phía sau. Bản thân người lái xe đã không làm chủ được những hành vi điều khiển phương tiện trên đường, khiến bản thân họ bất lợi.
"Nếu có những tình huống bất trắc xảy ra dễ dẫn đến tai nạn, hệ lụy gây ra cho những người tham gia giao thông phía sau, có thể tai nạn liên hoàn" - anh Sơn nói.
Theo ghi nhận của Lao Động, hiện nay trên nhiều tuyến đường ở TPHCM, nhiều người sử dụng các phương tiện giao thông tự chế để vận chuyển hàng hóa.
Đơn cử, tại các tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Linh (Quận 7), vào buổi trưa thường xuất hiện những chiếc xe máy, xe tự chế, xe ba gác chở giường, tủ, sắt thép, đồ gia dụng... chất cao ngất ngưởng và chạy tốc độ cao.
Còn ở các tuyến đường khác như Cộng Hoà (quận Tân Bình), Phan Văn Trị (quận Gò Vấp)... cũng không khó để bắt gặp các phương tiện vận chuyển hàng hóa có kích thước quá lớn, khiến người tham gia giao thông bị hạn chế tầm nhìn, dễ xảy ra va chạm.
Cần tăng nặng mức xử phạt
Ông Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, dù đã có quy định xe môtô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá chở hàng, nhưng nhiều người vẫn bất chấp, vi phạm.
Một số phương tiện dù che đậy cẩn thận hoặc treo cảnh báo phía sau nhưng rủi ro cho người đi đường luôn hiện hữu.
Theo ông Tạo, xe ba gác, xe máy tự chế chở hàng hoá, vật liệu xây dựng di chuyển rất linh động, có thể vào được các hẻm nhỏ, các con đường ngoằn ngoèo mà xe tải khó lưu thông. Đây là một trong những lý do mà loại phương tiện này xuất hiện trên nhiều tuyến phố nội đô.
"Nhiều người khi bị lực lượng chức năng yêu cầu dùng phương tiện đều viện lý do có hoàn cảnh khó khăn, nếu không cho mưu sinh bằng nghề này thì họ cũng chẳng biết làm nghề gì. Nhưng không vì thế mà chúng ta bỏ qua sai phạm" - ông Tạo nói.
Để hạn chế những vụ tai nạn, va chạm do chở hàng cồng kềnh, ông Tạo cho rằng cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trong đó cần xem xét tăng nặng mức xử phạt đủ sức răn đe, để người dân không nhờn luật, tái diễn vi phạm.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức tự giác chấp hành các quy tắc giao thông cho người tham gia giao thông.
"Chỉ khi mỗi người tham gia giao thông ý thức được hành vi chở hàng cồng kềnh tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho bản thân người điều khiển phương tiện và những người tham gia giao thông khác, tình hình mới có thể được cải thiện" - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông cho hay.