TPHCM: Đường Vành đai, cao tốc ì ạch, vốn đội thêm nghìn tỉ đồng

MINH QUÂN |

Cao tốc TPHCM - Mộc Bài, 3 đoạn đường Vành đai 2 được lên kế hoạch từ lâu nhưng chậm triển khai khiến tổng mức đầu tư đội lên hàng nghìn tỉ đồng. Trước thực trạng này, Sở GTVT TPHCM đã kiến nghị nhiều cơ chế về việc huy động vốn ưu tiên sớm đầu tư các dự án này.

26.000 tỉ đồng làm 11km Vành đai 2

Dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài mới được HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 15.900 tỉ đồng. Con số này tăng gần 5.200 tỉ đồng so với mức dự kiến ban đầu, công bố năm 2019 (10.700 tỉ đồng).

Vốn đầu tư cao tốc TPHCM - Mộc Bài tăng chủ yếu do cập nhật phần đền bù, giải phóng mặt bằng. Trước đó, tổng chi phí này ước tính hơn 5.100 tỉ đồng, hiện tăng lên 7.433 tỉ đồng. Trong đó, phần đền bù giải tỏa ở TPHCM chiếm hơn 5.900 tỉ đồng, còn lại thuộc địa bàn Tây Ninh.

Tương tự, đường Vành đai 2 được quy hoạch từ năm 2007 nhưng đến nay toàn tuyến mới xong 50km, còn 14km chia làm 4 đoạn chưa hoàn thành. Trong đó đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (Thành phố Thủ Đức) dài 2,7km, tổng đầu tư hơn 2.700 tỉ đồng khởi công năm 2017. Nhưng từ năm 2020, khi đạt 44% khối lượng công trình phải ngừng thi công do gặp khó khăn về vấn đề thanh toán cho nhà đầu tư và vướng mặt bằng.

3 đoạn còn lại với tổng chiều dài 11km do chậm thực hiện đầu tư nên đến nay tổng mức đầu tư dự kiến đã lên tới hơn 26.000 tỉ đồng, chủ yếu là tiền giải phóng mặt bằng. Tính ra, để đầu tư 3 đoạn này, TPHCM phải chi gần 2.400 tỉ đồng cho mỗi kilômét đường.

Cụ thể, đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội tại nút giao Bình Thái (thành phố Thủ Đức), dài 3,5km, rộng 67m, tổng vốn dự kiến gần 8.600 tỉ đồng. Trong đó, chí phí xây dựng là 1.660 tỉ đồng nhưng chi phí giải phóng mặt bằng lên tới hơn 6.400 tỉ đồng, còn lại là chi phí quản lý, tư vấn, dự phòng. Đoạn 2 từ Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng dài 2,8km, rộng 67m, tổng mức đầu tư 8.458 tỉ đồng. Chi phí xây dựng 2.281 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5.515 tỉ đồng,...

Tương tự, đoạn 4 từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh dài 5,3km, rộng 60m, tổng mức đầu tư 9.240 tỉ đồng nhưng chi phí giải phóng mặt bằng tới 6.580 tỉ đồng. Sở GTVT TPHCM cho biết, 3 đoạn Vành đai 2 trước đây cũng có nhà đầu tư quan tâm, đề xuất nghiên cứu đầu tư nhưng do vướng mắc về pháp lý, tính khả thi nên “đứng hình” đến nay.

Hiện TPHCM đang cân đối kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 để bố trí nguồn vốn thực hiện đầu tư 3 đoạn trên.

Đề xuất nhiều cơ chế để có vốn

Tiến sĩ Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho rằng, thành phố không thể cứ loay hoay trong bài toán vốn mà làm ngưng trệ các dự án cấp bách. Mỗi dự án khi thực hiện phải xem xét 2 tính khả thi: Về nguồn vốn và về kinh tế. Trước nay, các dự án luôn đặt tính khả thi về tài chính lên trước, tìm được nguồn vốn mới làm. Trong khi đó, về nguyên tắc, đối với nhà nước phải đặt hiệu quả kinh tế lên hàng đầu. Đơn cử, 1 tuyến đường nếu tính tổng vốn cần bỏ ra là 10.000 tỉ đồng nhưng sẽ thu được 20.000 tỉ đồng thì nên làm ngay, tìm cho bằng được nguồn vốn và cách thức để thực hiện.

Theo ông Cương, tiền trong xã hội thực chất không thiếu, quan trọng là có dự án tốt hay không. Nếu một dự án có ý nghĩa quan trọng, sức lan tỏa lớn thì phải tìm mọi cách để tìm nhà đầu tư thông qua việc mở rộng khả năng huy động vốn cả trong nước và nước ngoài, tạo cơ chế hấp dẫn bằng việc tiết giảm thủ tục hành chính, xây dựng hợp đồng minh bạch, chia sẻ lợi ích, rủi ro rõ ràng và văn minh…

“Đối với các dự án hạ tầng, càng chậm trễ, thiệt hại càng lớn vì theo thời gian, chi phí đội lên, tiền chết, không mang lại tác động lan tỏa” - ông Cương nói.

Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM, 5 dự án cấp bách cần được ưu tiên đầu tư từ nay đến năm 2025 như: Vành đai 2, 3, cao tốc TPHCM - Mộc Bài, cao tốc TPHCM - Chơn Thành, dự án cầu đường Nguyễn Khoái hiện vẫn chưa cân đối được nguồn vốn. Các dự án này có tổng vốn đầu tư lên đến 158.969 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách khoảng 72.640,6 tỉ đồng.

Trước bối cảnh trên, Sở GTVT TPHCM đã đề xuất UBND TPHCM kiến nghị các cấp có thẩm quyền cơ chế, chính sách để có nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông. Trong đó, kiến nghị điều chỉnh tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022-2025 để tập trung cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa, kết nối liên vùng.

Ngoài ra, chấp thuận cho TPHCM phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để tạo nguồn vốn đầu tư dự án hoặc Chính phủ thu xếp nguồn vốn phù hợp cho TPHCM vay lại với lãi suất 0%.

Sở GTVT TPHCM cũng đề xuất UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho thành phố tổ chức quy hoạch đất hai bên tuyến, đầu tư các tuyến đường nhánh, tạo quỹ đất, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để có nguồn lực thực hiện dự án.

MINH QUÂN
TIN LIÊN QUAN

Gần 2.400 tỉ đồng cho mỗi km đường Vành đai 2 tại TPHCM

MINH QUÂN |

TPHCM - Ba đoạn dài 11 km thuộc dự án Vành đai 2 TPHCM có tổng vốn dự kiến hơn 26.000 tỉ đồng. Tính ra, để khép kín đường Vành đai 2, TPHCM phải chi gần 2.400 tỉ đồng cho mỗi km (bao gồm chi phí xây dựng, giải phóng mặt bằng,...).

Xúc tiến xây dựng đường vành đai V vùng Thủ đô

Minh Hạnh |

Thái Nguyên - Ủy ban Nhân dân tỉnh vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư về việc đầu tư đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang). Dự kiến kinh phí lấy từ nguồn vốn từ “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau COVID-19” của Chính phủ.

Đường vành đai 2,5 ở Hà Nội “dậm chân tại chỗ” sau hơn 10 năm thi công

PHẠM ĐÔNG |

Dự án Vành đai 2,5 tại Hà Nội đoạn từ Đầm Hồng đến QL1A dài khoảng 2km, sau hơn 10 năm thi công vẫn đang vướng giải phóng mặt bằng khiến việc thi công đang bỏ dở giữa chừng, cảnh quan nơi đây nhếch nhách, bụi bẩn.

14km đường Vành đai 2 ở TPHCM làm mãi không xong

MINH QUÂN |

Đường vành đai 2 ở TPHCM từ khi được phê duyệt đầu tư đã 14 năm nhưng đến nay còn khoảng 14km chia làm 4 đoạn chưa thể hoàn thành, khép kín.

Tuyển Indonesia thua trận đầu tiên tại vòng loại 3 World Cup 2026

NHÓM PV |

Tối 15.10, đội tuyển Indonesia nhận thất bại 1-2 trên sân tuyển Trung Quốc tại vòng loại thứ 3 World Cup 2026.

Ra mắt Tủ sách điện tử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Vương Trần |

Tủ sách điện tử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cơ sở dữ liệu quý, phục vụ nghiên cứu, học tập và vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phá đường dây cờ bạc nghìn tỉ qua mạng, tạm giam 12 người

Thành Nhân |

Bến Tre - Lực lượng Công an vừa triệt xóa đường dây cờ bạc trên không gian mạng với tổng số tiền giao dịch hơn 1.800 tỉ đồng.

Nổ nồi hấp tinh dầu, 1 bé gái bị thương, 5 căn nhà ảnh hưởng

LÝ LINH |

TPHCM - Ngày 15.10, Công an huyện Bình Chánh đang điều tra vụ nổ nồi hấp tại một cơ sở sản xuất tinh dầu trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A khiến một bé gái bị thương.

Gần 2.400 tỉ đồng cho mỗi km đường Vành đai 2 tại TPHCM

MINH QUÂN |

TPHCM - Ba đoạn dài 11 km thuộc dự án Vành đai 2 TPHCM có tổng vốn dự kiến hơn 26.000 tỉ đồng. Tính ra, để khép kín đường Vành đai 2, TPHCM phải chi gần 2.400 tỉ đồng cho mỗi km (bao gồm chi phí xây dựng, giải phóng mặt bằng,...).

Xúc tiến xây dựng đường vành đai V vùng Thủ đô

Minh Hạnh |

Thái Nguyên - Ủy ban Nhân dân tỉnh vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư về việc đầu tư đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang). Dự kiến kinh phí lấy từ nguồn vốn từ “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau COVID-19” của Chính phủ.

Đường vành đai 2,5 ở Hà Nội “dậm chân tại chỗ” sau hơn 10 năm thi công

PHẠM ĐÔNG |

Dự án Vành đai 2,5 tại Hà Nội đoạn từ Đầm Hồng đến QL1A dài khoảng 2km, sau hơn 10 năm thi công vẫn đang vướng giải phóng mặt bằng khiến việc thi công đang bỏ dở giữa chừng, cảnh quan nơi đây nhếch nhách, bụi bẩn.

14km đường Vành đai 2 ở TPHCM làm mãi không xong

MINH QUÂN |

Đường vành đai 2 ở TPHCM từ khi được phê duyệt đầu tư đã 14 năm nhưng đến nay còn khoảng 14km chia làm 4 đoạn chưa thể hoàn thành, khép kín.