Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt giao thông đã tăng cao mức xử phạt và tước bằng lái xe tới 23 tháng, đã có tác dụng lớn đến ý thức chấp hành của người dân khi nói không với rượu bia trong lúc lái xe.
Bên cạnh nhiều người dân nghiêm chỉnh chấp hành quy định này, thì lại có một số người dân cố tình tìm cách đối phó với lực lượng chức năng. Theo đó, trong mấy ngày qua cộng đồng mạng đã chia sẻ và lan truyền nhiều "chiêu trò" đối phó với lực lượng CSGT khi bị xử lý nồng độ cồn.
Một trong những chiêu trò thu hút nhiều người quan tâm, là khi bị CSGT dừng xe kiểm tra nồng độ cồn, thì xuống xe khóa cửa lại rồi bỏ đi. Sau đó, đợi đến hôm sau hết nồng độ cồn thì mới đến làm việc với CSGT và đóng phạt. Nhiều người cho rằng với "chiêu trò" này, chỉ bị phạt về hành vi không tuân theo hiệu lệnh của CSGT với mức phạt chỉ 1,5 triệu đồng.
"Mức phạt 1,5 triệu về hành vi không chấp hành hiệu lệnh CSGT, cộng với một ít chi phí cẩu xe và chi phí giam giữ xe là quá rẻ, so với mức phạt 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng nếu bị xử phạt về vi phạm nồng độ cồn" - Một thành viên cộng đồng mạng đã chia sẻ.
Chiều 6.1, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về việc xử lý "chiêu trò" trên, Thượng tá Huỳnh Trung Phong - Trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC08) - Công an TPHCM cho biết, với trường hợp không chấp hành hiệu lệnh CSGT khi kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị xử lý ở mức phạt cao nhất về vi phạm nồng độ cồn.
Theo thượng tá Huỳnh Trung Phong, Nghị định mới đã có quy định rõ là trong trường hợp người điều khiển phương tiện không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn thì sẽ bị xử lý ở mức độ cao nhất về vi phạm nồng độ cồn, cho dù người điều khiển có đo nồng độ hay không.
"Mọi hành vi bất hợp tác của người điều khiển phương tiện giao thông với lực lượng chức năng trong việc kiểm tra nồng độ cồn, đều được áp dụng mức phạt cao nhất về vi phạm nồng độ cồn. Vì vậy, không có chuyện khi người vi phạm khóa xe bỏ đi, là chỉ bị phạt với hành vi không chấp hành hiệu lệnh CSGT" - Thượng tá Huỳnh Trung Phong khẳng định.
Thượng tá Huỳnh Trung Phong cung cấp thêm thông tin, mục tiêu lớn nhất của việc xử phạt này là nhằm tăng cường ý thức của người tham gia giao thông vì sự an toàn cho chính bản thân họ và người thân. Vì vậy, người dân nên chấp hành và ủng hộ Nghị định mới này, thay vì tìm cách đối phó với lực lượng chức năng.