Cụ thể, ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) - cho biết, đến nay đã có 49 nhà cung cấp nước ngoài từ nhiều quốc gia như: Hoa Kỳ, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc)… đã đăng ký, khai thuế và nộp thuế, với tổng số thu lũy kế đạt trên 5.000 tỉ đồng. Một số đơn vị có số nộp lớn như: Apple, Google, Meta (Facebook)…
Trước đó, từ 21.3.2022, Tổng cục Thuế đã xây dựng và đưa vào vận hành Cổng Thông tin điện dành cho nhà cung cấp nước ngoài nhằm hỗ trợ các đơn vị này đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngành Thuế đã tiếp nhận và xử lý trên 4 tỉ hoá đơn điện tử. Bình quân 1 ngày các đơn vị chức năng tiếp nhận, xử lý khoảng 100 triệu hóa đơn.
Để cung cấp thêm lựa chọn cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước bằng phương thức điện tử, Tổng cục Thuế cũng đã xây dựng ứng dụng eTax Mobile và bắt đầu triển khai từ ngày 21.3.2022.
Tính đến giữa tháng 4 năm nay, đã có 345.966 lượt cài đặt sử dụng ứng dụng eTax Mobile. Số giao dịch qua ngân hàng thương mại là 276.652 giao dịch, với tổng số tiền thuế đã nộp ngân sách nhà nước qua ứng dụng này là trên 950 tỉ đồng.
Trong Hội nghị tập huấn triển khai công nghệ thông tin năm 2023, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh đề nghị hệ thống công nghệ thông tin ngành thuế triển khai các giải pháp đáp ứng yêu cầu quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác của các nhà cung cấp trong nước và nước ngoài. Đây là một lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhưng cũng có nhiều rủi ro về thuế.
Duy trì triển khai các dịch vụ thuế điện tử, cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài; Cổng tiếp nhận thông tin thương mại điện tử; nâng cấp ứng dụng eTax Mobile cho người nộp thuế là cá nhân và mở rộng triển khai cho doanh nghiệp.
Cơ quan thuế các cấp cần nắm bắt được xu hướng và thực trạng của hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; từ đó áp dụng các công cụ và phương pháp mới để xác định, theo dõi và kiểm soát nguồn thu từ hoạt động này.
Ngoài ra, các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai hoá đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là hóa đơn đện tử khởi tạo từ máy tính tiền; nâng cấp ứng dụng đáp ứng các chính sách mới về hoá đơn điện tử; xây dựng Kho cơ sở dữ liệu hoá đơn điện tử và triển khai các giải pháp, công cụ khai thác, phân tích, tổng hợp dữ liệu phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý rủi ro về thuế.