Các nước có thể thu chênh lệch 12.000 tỉ
Ngày 18.4, tại hội thảo về quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu (Thuế TTTC), Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sự phát triển của kinh tế số và toàn cầu hoá đã và đang có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế - xã hội của các quốc gia.
Nhiều loại hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ thông tin ra đời, đem lại những tiện ích mới cho khách hàng, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới cho các cơ quan quản lý, đặc biệt là các biện pháp quản lý thu thuế phù hợp nhằm ngăn chặn các hành vi làm xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết thêm, hiện có 1.015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng Thuế TTTC. Trong đó, có hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của Thuế TTTC khi được áp dụng từ năm 2024.
Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi Thuế TTTC, các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng hơn 12.000 tỉ đồng. Như vậy, các biện pháp ưu đãi thuế sẽ không còn nhiều tác dụng, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam.
Việt Nam cần áp dụng một cách chủ động
Trong khi đó, theo ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, đến nay, hầu hết quốc gia thuộc Liên minh châu Âu; Thuỵ Sĩ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Úc xác nhận sẽ áp dụng quy tắc thuế suất tối thiểu 15%, bắt đầu từ năm 2024. Trong đó, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản là những quốc gia có số vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam và có nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của Thuế TTTC.
Ông Minh cho hay, hiện nay có khoảng 335 dự án có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Các doanh nghiệp này đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15%. Trong đó, chủ yếu doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao như: Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn Pegatron...
Tổng vốn đầu tư đăng ký của dự án này lại chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (đạt khoảng 131,3 tỉ USD). Đây là những dự án có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Việt Nam nên áp dụng Thuế TTTC này với những bước đi chủ động, có giải pháp phù hợp để hỗ trợ một phần cho các đối tượng chịu tác động, và quan trọng hơn, cần coi đây là cơ hội để tiếp tục cải cách thuế, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh - đây mới thực sự là động lực, là giải pháp căn cơ, bền vững.
Chuyên gia cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần sớm đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành, điều chỉnh các chính sách về thuế, về kế toán phù hợp, cũng như phù hợp với quy định trong các Hiệp định mà Việt Nam đã cam kết trước khi chính sách Thuế TTTC này có hiệu lực (dự kiến từ đầu năm 2024). Theo đó, cần nội luật hóa bằng cách ban hành qui định Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn như là một cơ chế phản ứng nhanh để bảo vệ quyền đánh thuế thay vì nhường quyền đánh thuế cho các quốc gia khác.
Tháng 7.2021, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của G20 đã thống nhất về nguyên tắc Giải pháp Hai trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh trong quá trình số hóa nền kinh tế (gọi tắt là Thỏa thuận Thuế TTTC), bao gồm: Trụ cột 1 là phân bổ thuế đối với hoạt động kinh doanh dựa trên kỹ thuật số; Trụ cột 2 đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh thuế. Đến nay, Khung giải pháp 2 trụ cột đã nhận được sự đồng thuận của 142/142 nước thành viên, trong đó có Việt Nam.