Cuối năm 2022 và đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương gặp khó khăn về tìm kiếm đơn hàng, thị trường xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp lại thiếu vốn để tái đầu tư, phục hồi sản xuất.
Trước tình hình trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương đã có những đề xuất về các chính sách và chương trình hỗ trợ lãi suất và nguồn vốn ưu đãi cho các đối tượng khó khăn. Trong đó có nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo ông Phạm Trọng Nhân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương triển khai thực hiện Thông tư của Ngân hàng Nhà nước và Nghị định của Chính Phủ.
Cụ thể, yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: Cơ cấu lại nợ, giãn nợ, khoanh nợ, cho vay mới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng.
Bên cạnh đó, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất cho vay. Tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tăng cường hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, nghiên cứu đưa ra sản phẩm tín dụng phù hợp hơn với nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
UBND tỉnh Bình Dương cũng đã trực tiếp làm việc và chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Bình Dương đẩy mạnh thực hiện các chương trình cho vay ưu đãi đối với đối tượng ưu tiên tại Chương trình phục hồi kinh tế, đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
UBND tỉnh Bình Dương cho biết, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Dương, tổng dư nợ tính đến ngày 30.6.2023 ước đạt 295.953 tỉ đồng, tăng 3,63% so với đầu năm. Đáng chú ý, nguồn tiền vay tập trung vào nhu cầu vay phục vụ sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế địa phương.
Để tháo gỡ khó khăn về thị trường cho doanh nghiệp, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương đã thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Các thị trường mới được hướng đến như Nam Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức các hội chợ tập trung đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm trực tiếp của doanh nghiệp. Đồng thời, mở các sàn thương mại điện tử để quảng bá giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp...
Tháo gỡ khó khăn về PCCC và lao động nước ngoài
Những tháng gần đây, các quy định mới về phòng cháy chữa cháy (PCCC) khiến nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu để hoạt động. Trong bối cạnh đó, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Bình Dương đã chủ động tổ chức các chương trình gặp gỡ doanh nghiệp.
Tại các chương trình này, các chuyên gia đã tập trung giải thích các quy định mới, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng hạ tầng phòng cháy chữa cháy và thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy theo quy định.
Đại tá Tạ Văn Đẹp - Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện quy định tại QCVN06:2022/BXD của Bộ Xây dựng có nhiều dự án công trình trên địa bàn tỉnh không đáp ứng điều kiện PCCC theo quy định này. Công an tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp như tổ chức hội nghị triển khai, hướng dẫn, thảo luận, thành lập tổ tư vấn trực tiếp tại công trình, đến nay có 24/43 công trình có vướng mắc trong thực hiện thẩm duyệt đã được tháo gỡ (đạt 56%).
Bên cạnh đó, qua kiểm tra, rà soát, trên địa bàn tỉnh có 1.065 cơ sở bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động do không đáp ứng yêu cầu PCCC.
Đến hết tháng 6.2023, Công an tỉnh đã phối hợp hướng dẫn, gỡ vướng cho 461 cơ sở. Các cơ sở còn lại chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC do vi phạm đặc biệt nghiêm trọng trong công tác PCCC được nêu tại điểm c, khoản 1, Điều 17 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.
Thời gian tới, Công an tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức các hội nghị trao đổi, hướng dẫn tháo gỡ cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Đối với việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở LĐTBXH đã thực hiện cấp 1.585 giấy phép lao động cho người nước ngoài. Bên cạnh đó, xem xét chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài cho 2.074 lượt doanh nghiệp với 3.156 vị trí sử dụng lao động nước ngoài.
Theo Sở LĐTBXH Bình Dương, dù quá tải công việc, nhưng các đơn vị luôn nỗ lực để hạn chế tối đa việc trễ hạn cấp phép cho lao động nước ngoài.
Sở LĐTBXH Bình Dương cũng sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và thực hiện tốt nhất việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp khó khăn trong thời gian tới, nhất là khi Nghị định số 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ được điều chỉnh, bổ sung nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Sản xuất công nghiệp phục hồi
Nhờ những giải pháp trên được triển khai kịp thời, nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương đã phục hồi, tìm kiếm được đơn hàng, thúc đẩy sản xuất. Kết quả, qua quý II chỉ số sản xuất công nghiệp của Bình Dương đã tăng trưởng trở lại. Theo UBND tỉnh Bình Dương, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 2,6%.
Đầu năm 2022, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) chính thức khởi công xây dựng nhà máy với tổng vốn đầu tư 1,3 tỉ USD tại Khu công nghiệp VSIP III, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có nhiều cuộc tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo Tập Đoàn LEGO để hỗ trợ doanh nghiệp này hoàn tất các thủ tục pháp lý và xây dựng nhà máy theo đúng tiến độ đề ra.